Cùng với sự phát triển nhanh của ngành chăn nuôi đã kéo theo những hệ luỵ về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là chất thải chăn nuôi không được xử lý hiệu quả, đòi hỏi phải có những biện pháp xử lý kỹ thuật khác nhau nhằm giảm thiểu những tác động từ chất thải chăn nuôi ra môi trường.
Kỹ thuật phải đạt chuẩn
Theo Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Trị, đến năm 2019, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xây dựng được trên 9.000 công trình khí sinh học, góp phần xử lý được khoảng 60% lượng phân thải ra từ chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, các công trình khí sinh học thường có quy mô nhỏ, xảy ra hiện tượng quá tải về công suất xử lý, khí gas thừa không sử dụng hết, xả trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm.
Hiện nay, một số quốc gia sử dụng hệ vi sinh vật để làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi. Nguyên tắc chung là sử dụng môi trường lên men, tạo thành các vật liệu có hàm lượng xenluloza cao, giúp cho hệ vi sinh vật hoạt động hiệu quả, qua quá trình phân huỷ chất hữu cơ.
Một yếu tố quan trọng trong kỹ thuật làm đệm lót sinh học là phải duy trì hệ sinh thái vi sinh vật ở đệm lót. Nếu đệm lót kết bánh thành tảng sẽ làm cho độ phân giải giảm, cần thay thế đệm lót. Cụ thể, người chăn nuôi phải hót đi đệm lót tầng mặt khoảng 20-30 cm, nếu tầng dưới có mùi bình thường, có khi có mùi thơm thì giữ làm nguồn men giống cho lần đệm lót sau nên chỉ cần thay thế tầng mặt. Qua 2 lần sử dụng có thể thay thế toàn bộ cả tầng dưới, cũng có thể dùng lại độn lót cũ sau khi đã phơi khô, nhưng tối đa chỉ dùng lại 50%.
Ứng dụng công nghệ mới
Hiện nay, một số trang trại, HTX đã ứng dụng công nghệ vi sinh vào sản xuất, chăn nuôi. Các chế phẩm sinh học được sử dụng nhiều vào làm đệm lót trong chuồng nuôi lợn là Active Cleaner (Đài Loan), Balasa…
Ông Thái Quốc Khánh, Giám đốc HTX Thống Nhất (huyện Cam Lộ) cho biết, HTX được UBND huyện, Hội nông dân, Trường Đại học Nông lâm Huế tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao khoa học, kỹ thuật để tiến hành chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Chuồng nuôi được xây kiên cố, sử dụng đệm lót sinh học đảm bảo kỹ thuật, xây dựng khép kín.. Hiện nay, HTX có 7 trang trại vừa và lớn rải khắp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cam Lộ, với tổng đàn lợn thịt được tái đàn sau khi hết dịch bệnh hồi cuối năm 2019 là hơn 6.000 con và 200 con lợn nái sinh sản.
![]() |
Mô hình chăn nuôi tại HTX Thống Nhất cho hiệu quả cao, thân thiện với môi trường |
Với phương pháp chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường, nhờ đệm lót sinh học có khả năng lên men, phân giải chất thải của lợn sau đó được xử lý tiếp bằng hầm biogas nên chuồng nuôi luôn sạch sẽ, thông thoáng. So với các mô hình chăn nuôi khác trên địa bàn thì mô hình chăn nuôi lợn theo hướng sinh học của HTX Thống Nhất thân thiện với môi trường hơn. Trước đây, việc chăn nuôi của hầu hết các hộ dân chưa chú trọng đến công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, nước thải từ chăn nuôi quá nhiều, cộng thêm hệ thống hầm biogas, hầm xử lý nước thải chưa đảm bảo nên gây ô nhiễm môi trường rất nhiều, lợn có nguy cơ dịch bệnh cao. Còn hiện nay, với việc nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học, có đệm lót đã làm giảm tối đa mùi hôi và ít gây ô nhiễm môi trường.
Ông Lê Quang Ánh, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y Quảng Trị cho biết, quy trình chăn nuôi trên đệm lót sinh học đã được Cục Chăn nuôi công nhận là tiến bộ kỹ thuật và đã triển khai thành công tại nhiều địa phương. Ở tỉnh Quảng Trị việc ứng dụng công nghệ mới này vừa đảm bảo lợn tăng trưởng tốt lại vừa đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường trong chăn nuôi.
Đoàn Huyền