Ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Chủ tịch Trung ương Hội CCB Việt Nam đánh giá, các Hội CCB đã chủ động thành lập nhiều HTX, tổ hợp tác, qua đó kêu gọi và giúp đỡ các thành viên thoát nghèo, làm giàu bền vững. Qua hoạt động làm kinh tế của các Hội CCB, ai cũng thấy sức lan tỏa rất lớn của phong trào hội viên Hội CCB giúp nhau xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế cùng nhau thoát nghèo bền vững.
Xóa đói, giảm nghèo nhờ OCOP
Dù trực tiếp hay đóng góp một phần công sức để xây dựng nên các sản phẩm mang thương hiệu OCOP, các CCB đã thể hiện được phẩm chất của người lính, nỗ lực, sáng tạo để thoát khỏi đói nghèo và vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
![]() |
Phát triển các sản phẩm OCOP, để các CCB vùng cao nâng cao đời sống kinh tế của người dân. |
Là chủ tịch Hội CCB xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, CCB Bùi Đức Sơn vẫn tranh thủ thời gian phát triển kinh tế HTX gắn với xây dựng sản phẩm OCOP, tạo bước đệm cho mục tiêu xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
HTX Nông lâm nghiệp Sơn Thịnh được thành lập năm 2019, đến nay đã 2 năm triển khai mô hình liên kết giữa HTX Nông lâm nghiệp Sơn Thịnh với nông dân xã Tú Thịnh trồng và chiết xuất tinh dầu hương nhu, tinh dầu sả.
Để chủ động việc chế biến tinh dầu tại chỗ, các thành viên HTX Nông lâm nghiệp Sơn Thịnh có 4 nồi chưng cất tinh dầu, trong đó gia đình CCB Bùi Đức Sơn, Chủ tịch HĐQT HTX đã đầu tư hệ thống nồi chưng cất tinh dầu xả và hương nhu để chế biến nguyên liệu cho gia đình và các thành viên HTX. Mỗi năm, gia đình ông chưng cất được 1 tấn tinh dầu xả và hương nhu. Giá bán tinh dầu thô dao động từ 500 nghìn đến 700 nghìn đồng/lít.
Năm 2020, sản phẩm tinh dầu hương nhu và tinh dầu sả được đóng chai 50ml, 100ml và đã được cấp mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc; có chứng nhận sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu. Năm 2021, sản phẩm tinh dầu hương nhu, bánh khảo của HTX tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh, đây là sản phẩm tiềm năng, lợi thế của địa phương để thực hiện Chương trình OCOP.
Sản phẩm tinh dầu hương nhu và tinh dầu xả của gia đình CCB Bùi Đức Sơn và của các thành viên HTX được phân phối cho các công ty dược liệu, cơ sở kinh doanh tinh dầu trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc và đưa đi xuất khẩu. Các sản phẩm tinh dầu làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó.
HTX Nông lâm nghiệp Sơn Thịnh còn cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm là đặc sản của Tú Thịnh như Bánh khảo, Bánh ngải cứu… cũng chính của gia đình CCB Bùi Ngọc Sơn sản xuất. Riêng sản phẩm bánh khảo mỗi năm sản xuất khoảng 4-5 tấn. Tất cả những sản phẩm này đều được đưa vào là sản phẩm chủ lực và được xây dựng thành sản phẩm OCOP của xã Tú Thịnh.
Ông Phạm Hữu Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương đánh giá, các CCB trên địa bàn huyện không chỉ chung tay giúp các gia đình CCB giảm nghèo, thoát nghèo, mà còn hướng tới việc nhân rộng mô hình kinh tế HTX để nâng cao đời sống.
Các CCB luôn gương mẫu trong thực hiện Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo và làm giàu” và còn là một điển hình đóng góp vào phát triển sản phẩm OCOP địa phượng.
Vươn lên làm giàu bằng ý chí, nghị lực
Với tinh thần "lá lành đùm lá rách", các HTX do CCB làm lãnh đạo quản lý đã không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng, qua đó thu hút và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, trong đó ưu tiên giải quyết việc làm cho lao động là con em CCB.
![]() |
Các CCB luôn tiên phong trên mặt trận chống đói nghèo và đã là CCB thì không cam chịu đói nghèo. |
Điều đáng ghi nhận là thông qua phong trào giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, các CCB đã thực sự là những tấm gương sáng về tinh thần, ý chí và nghị lực vươn lên, có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng dân cư.
Tại tỉnh Thái Nguyên, nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, các HTX do CCB làm chủ đã đã chú trọng đầu tư cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó, góp phần xây dựng thương hiệu, mang tới người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, nhằm nâng cao đời sống thành viên, giảm nghèo bền vững.
Điển hình như HTX nuôi hươu của Hội cựu chiến binh Trọng Hùng Tân Hòa, huyện Phú Bình, đã có đạt sản phẩm OCOP 3 sao năm 2021.
CCB Ngô Văn Hùng, Giám đốc HTX nuôi hươu Hội CCB Trọng Hùng cho hay: Để đảm bảo chất lượng sản phẩm đủ tiêu chuẩn tham gia Chương trình OCOP, HTX tuyên truyền tới các thành viên chăm sóc hươu bằng nguồn thức ăn sạch (cỏ, lá cây, một số loại quả…), sử dụng các loại thuốc thảo mộc để chữa bệnh cho hươu, tiêm phòng định kỳ cho đàn hươu nhằm tăng sức đề kháng… Với các bước chuẩn bị chu đáo, HTX hướng tới mục tiêu cao hươu được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao trong thời gian tới.
Ngoài nuôi hươu, HTX Nuôi hươu Hội CCB Trọng Hùng Tân Hòa còn có thêm nhiều sản phẩm đa dạng khác như mật ong, gà, chim bồ câu, nước ép dứa… với doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với thu nhập ổn định.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, các HTX do CCB làm lãnh đạo không chỉ giúp nhau phát triển kinh tế mà còn tiên phong trong giải quyết việc làm, phát triển sản phẩm OCOP. Nhiều HTX đã thu hút hội viên tham gia làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.
“Trong chiến tranh, họ kiên cường, bất khuất trước quân thù, giữa thời bình, những người lính Bộ đội Cụ Hồ lại tiên phong trên mặt trận chống đói nghèo và đã là CCB thì không cam chịu đói nghèo”, bà Hương nói.
Kim Yến