![]() |
Mô hình nuôi cá lồng bè tại Long Hồ đang cho hiệu quả cao (Ảnh tư liệu) |
Hiệu quả gia tăng
Theo thống kê, huyện Long Hồ đang có trên 200 hộ tham gia phát triển mô hình nuôi cá, với gần 2.000 lồng bè đủ quy mô. Các loại cá chủ lực đang được đầu tư mạnh là cá điêu hồng, cá tra và cá lóc.
Mô hình nuôi cá lóc đang phổ biến và cho hiệu quả khá cao tại các xã Thạnh Quới, Phú Quới, Hòa Phú, Lộc Hòa, Tân Hạnh… Theo các hộ dân địa phương, nuôi cá lóc không khó, trung bình 1.000 con cá nuôi trong diện tích 8 - 12 m2. Thức ăn rất dễ kiếm, chủ yếu là cua, ốc bươu vàng bằm nhuyễn.
Ông Trần Ngọc Thành (xã Thạnh Quới) cho biết ưu điểm của nuôi cá lóc trong vèo là vừa tránh được hao hụt lại vừa dễ theo dõi, chăm sóc.
“Cá lóc được người tiêu dùng rất ưa thích nên giá cả ổn định ở mức 36.000 – 38.000 đồng/kg. Nếu nuôi 1.000 con giống sẽ thu lời từ 4 - 4,5 triệu đồng/vụ (khoảng hơn 2 tháng)”, ông Thành chia sẻ.
Không chỉ hoạt động đơn lẻ, nhiều hộ nuôi cá tại Long Hồ đang chủ động liên kết để nâng cao thương hiệu, gia tăng sức cạnh tranh. Điển hình có thể kể đến HTX thủy sản Huỳnh Tuấn (xã An Bình).
HTX thủy sản Huỳnh Tuấn hiện có 13 thành viên, tổng số bè cá ổn định ở mức 75 – 80 bè. Với tốc độ phát triển hiện tại, cùng những nền tảng về khoa học – kỹ thuật, vốn sản xuất sau nhiều năm tích lũy, HTX đặt mục tiêu cung ứng ra thị trường 600 – 65 tấn cá nguyên liệu/năm.
Những năm qua, HTX đang phát huy rất tốt thế mạnh về con người. Các hộ thành viên hiện đều có nhiều năm kinh nghiệm nên nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, lựa chọn con giống, chủ động với sự biến động của thị trường…
Khả năng tiếp cận khoa học - kỹ thuật nhanh, cùng các cơ chế thông thoáng, chiến lược phát triển thông minh của HTX tạo điều kiện tối đa cho các thành viên, hộ liên kết phát huy hết khả năng, sức sáng tạo, từ đó nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
![]() |
Các mô hình sẽ được thúc đẩy theo hướng VietGAP gắn với bảo vệ môi trường để đảm bảo hiệu quả bền vững (Ảnh TL) |
Phát triển bền vững
Ông Huỳnh Thanh Tuấn – Giám đốc HTX Huỳnh Tuấn, cho hay kể từ năm 2017, lợi nhuận của HTX luôn đạt mức trên 2 tỷ đồng/năm. Để có được thành công này, việc phát huy hết năng lực sáng tạo, thế mạnh của từng hộ thành viên là yếu tố quan trọng hàng đầu.
“Cùng với phát triển nguồn nhân lực, phát triển nuôi trồng theo hướng VietGAP chú trọng bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường nước là chìa khóa để đảm bảo hiệu quả bền vững”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Long Hồ, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP gắn với bảo vệ môi trường cũng là hướng đi được huyện khuyến khích, chú trọng hỗ trợ các HTX, hộ chăn nuôi.
Những năm qua, huyện đã đẩy mạnh thực hiện chuyển giao khoa học – kỹ thuật, hướng dẫn người dân thực hiện nuôi theo đúng mật độ, khoảng cách giữa các cụm lồng/bè phải bảo đảm theo quy định; khuyến cáo người nuôi không thả cá giống khi các yếu tố môi trường nước chưa bảo đảm.
Trong quá trình nuôi, các HTX, hộ chăn nuôi được khuyến cáo không cho cá ăn thức ăn hết hạn sử dụng, thức ăn không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.
Đối với thức ăn tươi sống, các hộ nuôi được cơ quan chức năng hướng dẫn cho cá ăn theo đúng khẩu phần ăn hàng ngày, không để thức ăn dư thừa làm ô nhiễm môi trường vùng nuôi…
“Xác định thủy sản là một trong những lĩnh vực kinh tế chủ lực, huyện sẽ tiếp tục dành nhiều nguồn lực đầu tư để xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng hiện đại gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời liên kết các hộ chăn nuôi trong các HTX, tổ hợp tác để nâng cao sức cạnh tranh, gia tăng giá trị”, đại diện Phòng NN&PTNT huyện Long Hồ nhấn mạnh.
Nhật Minh