Hơn 10 năm qua, triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), khu vực nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh Điện Biên có những chuyển biến rõ nét trên hầu hết mọi lĩnh vực phát triển, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống của người dân.
Từng bước hoàn thành các tiêu chí
Lũy kế đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 21 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 18,26% trên tổng số xã trên địa bàn tỉnh. Đối với kết quả thực hiện Đề án 29 xã biên giới, đến nay, đã có 6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 85,71% so với mục tiêu đề ra.
![]() |
Tăng cường khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương để xây dựng NTM (Ảnh: Int) |
Tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2022, có thêm 8 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM.
Mục tiêu tỉnh Điện Biên phấn đấu đến hết năm 2025 có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM (trong đó, có 10% số xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu); 50% số thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM. Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Điện Biên xác định, tập trung ưu tiên chỉ đạo xây dựng NTM cấp thôn, bản, trong đó nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Các địa phương cần xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện thật cụ thể, chi tiết, nhất là giải pháp hỗ trợ các thôn, bản địa bàn vùng gian khó để từng bước hoàn thành tiêu chí NTM, giảm nghèo bền vững và coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
Tỉnh ủy Điện Biên cũng đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-TU ngày 29/7/2021 về phát triển sản xuất nông lâm nghiệp gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển toàn diện sản xuất nông lâm nghiệp trên cơ sở cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, có liên kết và ứng dụng công nghệ cao, tăng cường khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương. Đây được xem là giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy quá trình xây dựng NTM hiệu quả, góp phần xây dựng tỉnh Điện Biên ngày càng phát triển, bền vững.
Ngày 29/6/2022, UBND tỉnh Điện Biên cũng đã ban hành Kế hoạch số 1986/KH-UBND thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đến năm 2025.
Theo đó, tỉnh Điện Biên phấn đấu đến hết năm 2025, có 2 đơn vị cấp huyện (thị xã Mường Lay, thành phố Điện Biên Phủ) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và huyện Điện Biên đạt chuẩn NTM; có 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 76 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM (trong đó, có 32 xã đạ chuẩn NTM và 44 xã cơ bản đạt chuẩn NTM); không có xã dưới 10 tiêu chí; số tiêu chí bình quân đạt 15,46 tiêu chí/xã; có 650 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM và thôn bản NTM kiểu mẫu, chiếm 50,9% tổng số thôn bản trên địa bàn nông thôn của tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt khoảng 26,6 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm xuống còn 22,0%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 65% trở lên...
Song song với Chương trình NTM, tỉnh Điện Biên cũng đã phê duyệt Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát đưa Đề án "Mỗi xã một sản phẩm" trở thành Chương trình kinh tế trọng tâm của tỉnh; phát triển sản xuất sản phẩm/dịch vụ hàng hóa nông nghiệp và phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn; góp phần phát huy tiềm năng thế mạnh truyền thống của các địa phương, sức sáng tạo của người dân để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đạt các tiêu chuẩn quy định; phát triển hệ thống dịch vụ, thương mại của tỉnh; hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm trọng tâm và các sản phẩm chủ lực để vươn ra thị trường trong và ngoài nước; từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt là người dân khu vực nông thôn.
Chú trọng phát triển kinh tế hợp tác
Trong chương trình xây dựng NTM, các HTX có vị trí quan trọng để có thể hoàn thành được tiêu chí Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn (tiêu chí số 13) và 3 tiêu chí còn lại trong nhóm Kinh tế và tổ chức sản xuất (tiêu chí số 10 - thu nhập; tiêu chí số 11 - nghèo đa chiều; tiêu chí số 12 - lao động).
![]() |
Các HTX nông nghiệp đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ cho bà con nông dân (Ảnh: TL) |
Một ví dụ điển hình về HTX trong xây dựng NTM tại vùng khó khăn ở tỉnh Điện Biên là HTX chăn nuôi Mường Mùn (bản Lúm, xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo). HTX mới thành lập (năm 2018) nhưng sản xuất kinh doanh chủ yếu những mặt hàng còn thiếu trên địa bàn, tự sản xuất và tự nhân giống với giá trị dinh dưỡng cao trên thị trường chưa có nhiều. Đặc biệt, các thành viên đều được tham gia tập huấn, đào tạo một trong số các nghề mà HTX đăng ký kinh doanh.
Do có kiến thức cùng với việc tích cực học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh nên hiệu quả kinh tế của các hộ thành viên đều tăng đáng kể sau khi tham gia vào HTX. Đến nay, sản phẩm gà chân đen của HTX chăn nuôi Mường Mùn không chỉ được người dân ở Tuần Giáo đón nhận mà còn vươn ra các huyện lân cận, sang tỉnh Lai Châu.
Đại diện HTX thông tin, xác định phương châm HTX là gắn với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, góp phần vào xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước, HTX đã tích cực đổi mới trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vận động các thành viên trong HTX cũng như bà con trên địa bàn tham gia sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với chuỗi giá trị, đồng thời ủng hộ giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo tham gia HTX.
Nhờ vậy, doanh thu HTX liên tục tăng từng năm, nâng cao thu nhập bình quân các thành viên, giải quyết việc làm cho người lao động ở bản vùng cao, cũng như góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng NTM trên địa bàn xã Mường Mùn nói riêng và huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên nói chung.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên, trong thời gian qua, các HTX trên địa bàn không ngừng phát triển về số lượng, hiệu quả hoạt động với các loại hình dịch vụ thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn. Các HTX nông nghiệp đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ cho bà con nông dân, ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phối hợp xây dựng NTM để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các thành viên.
Tính đến cuối tháng 6/2022, trong tổng số 210 HTX đang hoạt động, doanh thu bình quân của 1 HTX ước đạt 863 triệu đồng, lợi nhuận bình quân của 1 HTX ước đạt 84 triệu đồng, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động thường xuyên ước đạt 4,3 triệu đồng/người/tháng, từ đó đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành các tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất, tạo việc làm, thu nhập và giảm nghèo trong xây dựng NTM.
Lan Phương