Người dân đặt tên là mật ong Hương Bưởi bởi đây là vùng trồng bưởi Phúc Trạch nổi tiếng. Vào mùa hoa bưởi đơm bông, ong tha hồ lấy mật. Ngoài hoa bưởi, ong còn lấy mật từ các loài hoa khác trên rừng núi Hương Khê để tạo nên nguồn mật dồi dào.
Hơn chục năm về trước, nhận thấy tiềm năng về phát triển mô hình nuôi ong lấy mật trên địa bàn, ông Dương Hữu Thọ đã lặn lội vào Đăk Lăk tìm mua đàn ong mang về Hà Tĩnh nuôi.
Mật ngọt từ đất trồng bưởi
Với quyết tâm làm giàu ngay trên chính quê hương, ông Thọ đã "cùng ăn, cùng ngủ" với ong, đồng thời tìm hiểu sách báo, ti vi để hiểu rõ đặc tính, cách nuôi ong ở Hà Tĩnh, làm sao có thể "bắt bệnh" và chữa trị để con ong luôn khỏe mạnh.
Vào mùa ong dưỡng đàn, mỗi ngày ông Thọ đều dùng xe kéo đưa toàn bộ đàn của mình ra bãi ngô để tìm kiếm thức ăn. Nhờ ăn hoa ngô mà ong sinh trưởng rất nhanh. Đây là thời điểm "dưỡng", lấy đủ quân (ong) để đi lấy mật, nên người nuôi ong phải chăm chút từng "bữa ăn, giấc ngủ" cho chúng.
Việc đi tìm kiếm thức ăn của cả đàn được dẫn dắt bởi ong chúa. Mỗi một đàn có một con ong chúa. Ong chúa to hơn hẳn ong thợ và có màu đậm hơn, làm nhiệm vụ sinh sản và điều hành toàn bộ tổ.
Việc giao phối của ong chúa được thực hiện ngay từ khi người nuôi tạo xong tổ ong. Sau lần đó, ong chúa không bao giờ ra khỏi tổ, trừ khi nó chết. Nếu ong chúa ra khỏi tổ, toàn bộ đàn ong cũng sẽ bay theo.
Khi đàn có số ong thợ quá đông, ong chúa tạo 2 - 3 vú chúa mới để tách đàn. Các con ong chúa mới đã đến tuổi trưởng thành, người ta bắt từng con sang các thùng mới để nhân đàn mới. Nếu không muốn nhân thêm đàn, chỉ việc vặt bỏ các vú chúa mới là được.
Nhưng để tránh việc trùng huyết thống làm giảm chất lượng đàn, tại HTX Mật ong Hương Bưởi, ong chúa sẽ được thay mỗi năm một lần.
Ong chúa được mua từ Đăk Lăk về, mỗi con có giá 5 triệu đồng. Một con ong chúa phối giống 5 - 10 con một lúc, phối một lần và sinh sản cả đời. Chu kỳ sinh trưởng của một con ong thợ kéo dài 45 - 60 ngày tuổi. Trong đó, 20 - 60 ngày tuổi là thời gian ong thợ đi lấy mật.
![]() |
Sản phẩm Mật ong Hương bưởi của HTX |
Vấn đề thương hiệu
Ban đầu, với nguồn mật thơm ngon, chất lượng, người nuôi ong ở xã Hương Trạch không phải lo lắng cho đầu ra của sản phẩm. Mật ong làm ra đến đâu đều được thu mua đến đó. Đặc biệt, thương lái tìm đến tận nơi để lấy mật, người nuôi không phải chịu chi phí vận chuyển. Mật ong thời điểm ra tết được thương lái Đăk Lăk thu mua với giá 110.000 đồng/kg.
Đầu tư cho nuôi ong không tốn kém nhiều. Người nào muốn nuôi ong chỉ phải đầu tư mua một đàn và ong chúa, rồi từ đó nhân tiếp ra. Thùng ong thì tự đóng lấy bằng các nan gỗ thưa; mua khoảng 10.000 đồng tiền cầu ong được làm sẵn là có thể nuôi.
Nhờ hiệu quả kinh tế như vậy, nhiều người tìm tới ông Thọ học nghề, rồi hình thành nên Tổ hợp tác Mật ong Hương Bưởi (năm 2012) - tiền thân của HTX Mật ong Hương Bưởi bây giờ.
Hiện nay, HTX Mật ong Hương Bưởi có 9 thành viên với hơn 300 đàn ong, mỗi năm thu về trên 15 tấn mật. Cùng với việc bán ong giống, phấn hoa và sữa ong chúa, doanh thu HTX đạt 1,4 tỷ đồng/năm.
Theo ông Thọ, với tiềm năng của địa phương, cũng như kinh nghiệm của người dân, HTX vẫn còn có khả năng mở rộng quy mô đàn ong, tăng thêm sản lượng mật nhưng lại không dám vì không có đầu ra ổn định.
Trước đây, khi còn ít hộ nuôi ong, thương lái đến mua với giá cao, nhưng hiện nay thương lái chỉ mua mật thô giá rẻ, 40.000 - 50.000 đồng/kg. Nguyên nhân chính là do mật ong chưa có thương hiệu nên các đối tác kén chọn, bán cũng không được giá cao, người dân chưa thực sự tin dùng. Hiện nay, Đăk Lăk là thị trường chính nhưng sản lượng thấp và luôn bị ép giá.
Để giải quyết vấn đề này, ông Thọ đã cất công đi từ Nam ra Bắc liên hệ bán mật nhưng chưa thành công. Ngoài ra, HTX cũng đã chú trọng khâu quảng bá sản phẩm khi tham gia nhiều các hội chợ, lễ hội về sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh và khu vực Bắc Trung bộ. Tuy nhiên tình hình vẫn chưa có tín hiệu khả quan.
Được biết, hiện HTX đã làm hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận nhãn hiệu. Đây là động lực để HTX mở rộng quy mô sản xuất, tăng nguồn thu.
Hồng Nhung