Với đặc thù huyện miền núi biên giới có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, kể từ năm 2010 đến nay, Hà Quảng đã trập trung thúc đẩy phát triển các ngành nông nghiệp thế mạnh, trong đó có chăn nuôi an toàn để nâng cao thu nhập cho người dân.
![]() |
Chăn nuôi an toàn cho hiệu quả cao ở Hà Quảng (Ảnh TL) |
Hiệu quả từ chăn nuôi an toàn
Được thành lập từ năm 2016 với 7 thành viên, HTX nông nghiệp - chăn nuôi Bảo Hưng (xã Trường Hà) đang là một trong những điển hình chăn nuôi an toàn, đem lại hiệu quả cao tại Hà Quảng.
Hiện, HTX có 46 con lợn thịt, 14 con lợn nái, 300 con gà thương phẩm, 1.700 con gà đẻ trứng và 200 m2 ao nuôi cá. Doanh thu bình quân mỗi năm trên 2 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động thường xuyên và lao động thời vụ, với mức thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Lê Bảo Hưng – Giám đốc HTX, cho hay để có được những thành công vừa qua, sản xuất khoa học gắn với ATLĐ chính là yếu tố then chốt.
Theo đó, trong quá trình chăn nuôi, HTX tổ chức tuyển chọn giống kỹ lưỡng, hoàn thiện hệ thống trang trại kiên cố với nền chuồng cao, không gian thoáng mát, chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn, gà, vịt, có quy trình chăn nuôi hợp lý, đảm bảo vệ sinh thú y chuồng trại.
Các thành viên HTX được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ như ủng, găng tay, khẩu trang khi chăm sóc vật nuôi nhằm đảm bảo sức khỏe, tránh các vi sinh vật gây bệnh.
Đơn cử như khi vệ sinh chuồng trại, người dân trước đây đi chân trần nên thường xuyên bị bệnh sâu nước gây ngứa ngáy khó chịu. Vào HTX, được trang bị ủng, loại “bệnh nghề nghiệp” này đã không còn.
Bên cạnh HTX Bảo Hưng, trên địa bàn huyện Hà Quảng cũng xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi an toàn mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.
Sau một thời gian tìm hiểu nhu cầu thị trường, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, gia đình ông Hầu Văn Dẻ, thị trấn Thông Nông, trồng ngô kết hợp với nuôi bò vỗ béo, thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Ông Dẻ tâm sự: “Trước đây, việc chăn thả diễn ra tự do, chất thải xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến ATLĐ, sức khỏe con người. Nay, chăn nuôi tập trung, chất thải tập trung đúng nơi quy định, vừa không gây ô nhiễm, vừa có nguồn phân chuồng phục vụ trồng trọt”.
![]() |
Hà Quảng sẽ tiếp tục đầu tư cho các mô hình chăn nuôi an toàn, mang lại lợi ích bền vững cho người dân (Ảnh TL) |
Thêm nhiều nguồn lực hỗ trợ
HTX Thắng lợi, thị trấn Xuân Hòa cũng đang là một điển hình trong chăn nuôi an toàn tại huyện Hà Quảng. Trang trại của HTX hiện có tổng diện tích 2 ha, được đầu tư trên 8 tỷ đồng, quy mô nuôi trung bình từ 250 - 400 con/lứa.
Trung bình mỗi năm, HTX Thắng Lợi xuất bán ra thị trường hơn 30 tấn lợn thương phẩm chất lượng cao, thu về hơn 1,4 tỷ đồng. Không chỉ chú trọng lợi ích về kinh tế, HTX còn quan tâm vấn đề ATLĐ để bảo vệ sức khỏe cho thành viên.
Điển hình, khi chăn nuôi, lao động phải tiếp xúc với nhiều loại máy móc như máy băm rau củ, máy rửa chuồng trại, máy trộn thức ăn chăn nuôi…, vì vậy HTX thường xuyên tổ chức tập huấn giúp thành viên nắm chắc kỹ thuật, nâng cao ý thức về ATLĐ, từ đó giảm thiểu tai nạn.
Đơn cử, khi sử dụng máy băm rau củ cho vật nuôi, trước đây đã có không ít trường hợp bị máy cắt vào tay do chủ quan, thiếu kỹ năng. Khi vào HTX, các hộ được khuyến cáo đeo bao tay, khi cho rau củ vào máy phải tập trung, tránh sao nhãng để tránh rủi ro tai nạn, ảnh hưởng sức khỏe.
Hay như trong quá trình chăn nuôi, việc tiếp xúc với các chất tẩy rửa, chất sát trùng, vắc xin, chất thải là không thể tránh khỏi. Vì vậy, HTX đã chủ động trang bị khẩu trang, găng tay, ủng... để bảo vệ sức khỏe, ATLĐ cho thành viên.
Thực tế, để phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, thay đổi tập quán chăn nuôi lạc hậu, đảm bảo ATLĐ cho người dân, những năm qua, huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Bên cạnh đó, tận dụng các phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, xây dựng chuồng nuôi kiên cố, tạo thế phát triển bền vững trong chăn nuôi… Đặc biệt nâng cao ý thức về ATLĐ cho người dân trong quá trình chăn nuôi, với các giải pháp thiết thực như cán bộ nông nghiệp đến từng nhà để phát tài liệu, kiểm tra các dụng cụ bảo hộ, hướng dẫn quy trình chăm sóc an toàn.
Đáng chú ý, huyện lồng ghép nguồn vốn Chương trình 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ, Dự án phát triển đàn bò, các nguồn vốn vay; hỗ trợ giống cỏ, bò đực, bò cái sinh sản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo để người dân có điều kiện mua con giống phát triển chăn nuôi an toàn.
Bên cạnh đó, hoạt động của các HTX nông nghiệp ở huyện đã thể hiện vai trò liên kết các hộ dân trong sản xuất kinh doanh, sản phẩm đảm bảo chất lượng, được thị trường ưa chuộng và hướng đến xây dựng thương hiệu.
Mô hình HTX nông nghiệp còn thu hút, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, đem lại nguồn thu nhập ổn định, làm thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu sang phương thức sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện.
Hưng Nguyên