![]() |
Thành viên HTX đang "sống khỏe" nhờ nuôi bò theo hướng an toàn (Ảnh TL) |
Phát huy thế mạnh
Bò là một trong những giống vật nuôi chủ lực trên địa bàn huyện Ba Tri trong nhiều năm qua, Hiện, tổng đàn bò toàn huyện đạt trên 100.000 con, trong đó có khoảng 60% là bò cái sinh sản, còn lại là bê và bò nuôi vỗ béo.
Các mô hình chăn nuôi bò trên địa bàn huyện cũng đang chuyển đổi từ các giống bò kém hiệu quả sang các giống chất lượng cao như giống bò lai Sind, Brahman; các giống siêu thịt Red Angus, Limousine, BBB...
UBND huyện Ba Tri cho biết kể từ năm 2002, huyện đã thực kế hoạch đẩy mạnh xây dựng các mô hình nuôi bò theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học – kỹ thuật, gắn với nâng cao ATLĐ, bảo vệ sức khỏe cho người chăn nuôi.
Nhờ sản xuất an toàn, đến cuối năm 2016, bò Ba Tri được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) trao chứng nhận nhãn hiệu “Bò Ba Tri”. Đây là nhãn hiệu bò đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long, tạo động lực để ngành chăn nuôi bò ở Ba Tri phát triển.
Trong quá trình phát triển mô hình nuôi bò trên địa bàn huyện, HTX nông nghiệp Mỹ Chánh nổi lên như một trong những điển hình tiêu biểu nhất. HTX được thành lập với 28 thành viên, 85 con bò, diện tích trồng cỏ tập trung trên 2 ha.
Đến nay, sau gần 3 năm đi vào hoạt động, số thành viên của HTX đã tăng lên 200 người, với khoảng 2.000 bò sinh sản, vốn điều lệ 10 tỷ đồng.
HTX cũng đang là cầu nối liên kết tiêu thụ bò sinh sản, bò thịt với 3 xã trong huyện là An Hiệp, An Đức và Bảo Thạnh. Hiện, trung bình mỗi năm, HTX cung ứng cho thị trường các tỉnh miền Đông, miền Trung và Tây Nguyên gần 1.800 con bò giống và 1.200 con bò thịt.
![]() |
Bên cạnh chăn nuôi an toàn, HTX chú trọng đưa các giống bò chất lượng cao vào phát triển. |
Lợi ích toàn diện
Ông Trà Tấn Thanh – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, cho biết phát huy vị thế của một trong những đơn vị chăn nuôi bò lớn nhất tại địa phương, ngay từ những ngày đầu, HTX đã chú trọng hoàn thiện quy trình nuôi bò theo hướng an toàn.
Theo đó, trong quá trình chăn nuôi, các thành viên được hướng dẫn, trang bị đầy đủ các loại máy móc, phương tiện, đồ bảo hộ nhằm chăm sóc đàn bò một cách hiệu quả nhất.
Đơn cử, trong quá trình tiêm phòng bệnh cho bò, bên cạnh việc chọn thuốc đúng danh mục, thành viên HTX được hướng dẫn kỹ thuật sử dụng bơm tiêm đúng chuẩn, đeo bao tay, khẩu trang để tránh gây nhiễm trùng, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Hệ thống chuồng trại của HTX cũng thường xuyên được được vệ sinh, khử trùng nhằm hạn chế các loại vi sinh vật, vi khuẩn gây bệnh cho người và vật nuôi. Trong quá trình xử lý chất thải chăn nuôi, thành viên HTX được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, tránh tiếp xúc trực tiếp với các loại chất thải.
Phương thức sản xuất an toàn giúp HTX đảm bảo lợi ích kép về kinh tế, ATLĐ cho thành viên, hộ liên kết. Ông Nguyễn Văn Đức (xã Mỹ Chánh) khẳng định nếu không có sự thay đổi về phương thức sản xuất thì người chăn nuôi bò khó đạt hiệu quả như hôm nay.
“Trước đây, bò vàng truyền thống bán giá cao lắm cũng chỉ được 20 triệu đồng/con, do chất lượng thịt không đạt và trọng lượng nhỏ. Nhưng khi chuyển sang nuôi các loại giống chất lượng cao, trọng lượng xuất bán có con đạt gần 1 tấn, chất lượng thịt đạt từ 60-70% nên có thể bán được từ 30 - 40 triệu đồng/con”, ông Đức phân tích.
Hiện, gia đình ông Đức đang có trang trại nuôi 15 con bò nái, bò thịt vỗ béo, mỗi năm thu lợi nhuận hơn 200 triệu đồng.
Sáu Ngạn