Mục tiêu của HTX hướng đến là nâng cao năng xuất, chất lượng cam sành sau thu hoạch, giảm chi phí đầu tư trong quá trình trồng và chăm sóc cây cam theo hướng bền vững VietGAP.
Tại huyện Bắc Quang, phong trào trồng cam trên đất đồi đang phát triển mạnh tại các xã Vĩnh Hảo, Tiên Kiều, Việt Hồng, Đông Thành... khiến diện tích trồng cam sành có nguy cơ bùng phát, dẫn tới tình trạng cung vượt cầu.
Hạn chế trồng mới
Để sản xuất hiệu quả, HTX đã hạn chế việc trồng mới, tập trung thâm canh, chú trọng vào chăm sóc, nâng cao năng suất, chất lượng.
Bên cạnh đó, HTX xây dựng và tổ chức tập huấn quy trình thu hái và bảo quản cam cho các thành viên và người dân để nâng cao chất lượng sản phẩm. Thông qua các buổi tập huấn, các thành viên và người dân đã áp dụng các biện pháp sản xuất nhằm hạn chế sự ảnh hưởng đến môi trường.
Đặc biệt, vấn đề an toàn thực phẩm được HTX bảo đảm và hướng sản xuất theo hướng sản phẩm hữu cơ. Dư lượng thuốc BVTV, dư lượng đạm trong cây cam nằm trong chỉ giới cho phép…
“Như vậy mới duy trì được nhãn hiệu tập thể cam sành Hà Giang và sản phẩm mới tiêu thụ được ở các siêu thị lớn như: Mega market, Big C và các thành phố lớn”, ông Hoàng Quyết Thắng - Giám đốc HTX, cho biết.
Tổ phân bón được thành lập nhằm tăng cường kiểm soát khâu sản xuất, thu mua cây giống của các thành viên và người dân.
Nhằm khơi thông đầu ra, HTX phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nông dân liên kết hoặc tham gia HTX để quy trình sản xuất được đồng bộ, sản phẩm bảo đảm cả chất lượng và hình thức.
Hiện nay, HTX có 18 hộ thành viên, trồng 87ha cam sành. Trong đó có 40 ha đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Sản lượng trung bình đạt 25 tấn/ha. Mỗi năm, HTX phục vụ cho thị trường khoảng 1.000 tấn cam đạt chuẩn, đem lại thu nhập cao cho các thành viên.
![]() |
Một vườn cam sành của HTX |
Dùng lưới che cam
Không chỉ tuân thủ quá trình sản xuất khoa học, HTX Vĩnh Hảo đã đăng ký mã vạch, xây dựng thương hiệu và đưa quả cam sành tiêu thụ ở các tỉnh thành trong cả nước.
Trong khi giá cam sành thương lái thu mua bên ngoài 10.000 đồng/kg, HTX đã bao tiêu cho các thành viên HTX khoảng 30.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt gấp đôi so với trước.
Hiện nay, diện tích của HTX được sản xuất theo tiêu chuẩn ba cùng: Cùng giống, cùng kỹ thuật chăm sóc và cùng phân bón. Quả cam cũng được bao bằng túi chuyên dụng, nên chất lượng sản phẩm được đồng đều, đẹp về mẫu mã.
Những ngày nắng nóng, ngoài việc lo đủ nước tưới tiêu, HTX còn lo sợ phát sinh dịch bệnh từ bức xạ mặt trời. Qua thực tế, HTX đã dùng lưới che mát vườn cam để giải quyết khó khăn trong sản xuất.
Theo Giám đốc Hoàng Quyết Thắng, để đầu tư tưới nước và giá đỡ lưới che mát cho 1.000 m2 cam sành, chi phí bỏ ra khoảng 3,5 triệu đồng. Bù lại, màng lưới sẽ ngăn ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào cây, giúp giảm khoảng 50% lượng nhiệt, cây duy trì độ ẩm ở mức 30%, năng suất trái đạt tới 90%; giá bán cũng cao hơn cách trồng thông thường 3.000 - 4.000 đồng/kg.
Đặc biệt, trong giai đoạn cam có quả, gặp điều kiện nắng nóng, thiếu nước, nhưng nhờ màng lưới có thể giúp cây chịu đựng trong khoảng 15 ngày mà không cần tưới.
Trong điều kiện nắng nóng kéo dài, cây cam rất dễ phát sinh các loại bệnh. Vườn cây được che chắn giúp cây phát triển tốt, cho quả đẹp, bán được giá cao.
Chính vì thế, việc trồng cam sành áp dụng kỹ thuật lưới che mát của HTX cũng là giải pháp giúp bà con tiết kiệm nước, ứng phó với tình hình khô hạn vào mùa nắng.
Đây cũng là một trong những giải pháp an toàn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Như Yến