Năm 1995, khi nghề nuôi hươu thua lỗ, ông Hồ Bá Sự ở xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã rẽ ngoặt sang con đường kinh doanh vận tải.
Thời gian đầu, phần vì thiếu vốn, phần vì kinh nghiệm chưa có, ông Sự chỉ mua một xe vận tải khách chuyên chạy tuyến Vinh - Quỳnh Lưu.
Những HTX “đầu tàu”
“Gặp thời vận”, công việc làm ăn ngày càng thuận lợi, sau khi thành lập HTX dịch vụ vận tải, ông Sự đã đầu tư vốn mua thêm nhiều xe, mở thêm tuyến với các loại hình dịch vụ đa dạng tạo việc làm ổn định cho gần 100 lao động địa phương.
Hiện tại, HTX Dịch vụ vận tải Sự Chuyên đang có 20 xe taxi chở khách trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai; 10 xe buýt chạy tuyến Quỳnh Lưu - Vinh và 1 xe khách giường nằm chạy tuyến Quỳnh Lưu - Hà Nội. Ngoài ra, HTX còn có 13 xe khách giường nằm của các cổ đông khác, đáp ứng nhu cầu khách hàng đi tuyến Hà Nội, Thái Nguyên, Gia Lai.
Ông Phạm Đình Đại - lái xe của HTX, cho biết: “Tôi thấy công việc ổn định và mức lương cũng tăng theo thời điểm. Hiện giờ lương tôi 6 triệu đồng/tháng, đã có chi phí ăn uống sinh hoạt. Chủ doanh nghiệp đối xử với công nhân như anh em, chúng tôi muốn gắn bó lâu dài vì chủ rất quan tâm đến đời sống anh em”.
HTX Sản xuất và Dịch vụ Sông Lam (thị xã Cửa Lò) cũng được biết đến là một trong những HTX có quy mô lớn, phát triển theo hướng đa ngành nghề và rất có hiệu quả.
Nhờ định hướng phát triển này, nên HTX đã rất thành công trong lĩnh vực sản xuất đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, chế biến hải sản, sản xuất đá lạnh, gia công cơ khí, thi công các công trình công nghiệp, dân dụng, giao thông, thủy lợi, mộc dân dụng; đồng thời thực hiện tốt vai trò kinh doanh xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, kinh doanh nhà hàng, nhà nghỉ, vật liệu xây dựng, kinh doanh điện năng, dạy nghề và liên kết xuất khẩu lao động…
Quan trọng hơn, HTX rất thành công trong việc tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn thị xã Cửa Lò thông qua giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động. Hàng năm, HTX đã đưa hàng trăm lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
![]() |
Đoàn công tác thăm của hàng tiêu thụ sản phẩm của HTX Nông sản an toàn Tam Điệp |
Lãnh đạo HTX chia sẻ: “Do đổi mới việc quản lý điều hành sát đúng, tài chính quản lý chặt chẽ, khoán, quản công khai minh bạch, dân chủ và mở rộng ngành nghề phù hợp, nên hiệu quả kinh tế năm sau luôn cao hơn năm trước”.
Những năm qua, HTX Quyết Thành ở Tp.Vinh được biết đến là một mô hình trong việc đầu tư sản xuất - kinh doanh đa ngành. Đơn vị đã huy động nguồn vốn của xã viên, vay ngân hàng để đầu tư hàng chục tỷ đồng mở rộng dây chuyền nghiền bột đá trắng và đầu tư xây dựng trung tâm thương mại kết hợp khách sạn Quyết Thành cao 7 tầng tại phường Bến Thủy, tạo doanh thu lớn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Đặc biệt, tại HTX làng nghề ngói Cừa Tân Kỳ, cùng với việc việc duy trì phương pháp sản xuất truyền thống, còn mạnh dạn huy động nguồn vốn của xã viên đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ tuynel đã tạo ra hiệu quả kinh tế cao và trong quá trình sản xuất.
HTX luôn đầu tư mua sắm các thiết bị máy móc hiện đại để nâng cao năng lực hoạt động, như mua thêm máy dập ngói cải tiến, dây chuyền tạo phôi ngói…
Hiệu quả lớn về kinh tế và xã hội
Nhờ đó, chất lượng, mẫu mã sản phẩm luôn được nâng cao. Hiện tại, sản lượng ngói Cừa đạt chừng 250 triệu sản phẩm/năm và doanh thu hàng năm hơn 120 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Nghệ An, các HTX phi nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định. Hiện đã xuất hiện thêm một số mô hình mới có hiệu quả cả về mặt kinh tế và xã hội, như: HTX môi trường, HTX chợ, HTX làng nghề, HTX vận tải, HTX dịch vụ thương mại, HTX dịch vụ tổng hợp, HTX chế biến...
Các HTX phi nông nghiệp hoạt động kinh doanh ổn định mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên và tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động.
Điển hình như: HTX đầu tư xây dựng quản lý và khai thác Hải An Tân, HTX cây xanh đô thị Thái Hòa, HTX vận tải Hoàng Trung, HTX sản xuất dịch vụ Sông Lam (thị xã Cửa Lò), HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên (Nghi Lộc), HTX Lam Sơn Đại Thành (Nam Đàn), HTX Đan lát truyền thống (Con Cuông), HTX TTCN Thọ Thành (Yên Thành), HTX Quyết Thành (Tp.Vinh)…
Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành - ông Nguyễn Vương Ngọc, khẳng định: “Hiệu quả kinh tế và xã hội của HTX phi nông nghiệp trên địa bàn huyện rất rõ nét; vừa có đóng góp lớn cho ngân sách vừa giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Điển hình cho thực tế này là HTX TTCN Thọ Thành, Quỹ TDND Xuân Thành, Liên Thành…”.
Tính đến cuối 2017, có 120 trong tổng số 632 HTX của tỉnh Nghệ An là HTX phi nông nghiệp. Doanh thu năm 2017 của HTX phi nông nghiệp đạt 518 tỷ đồng (tăng 120 tỷ đồng so với năm 2016), thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX đạt 48 - 55 triệu đồng/năm.
Trong khi đó, 453 HTX lĩnh vực nông nghiệp doanh thu năm 2017 đạt 225 tỷ đồng (tăng so với 2016 là 80 tỷ đồng), thu nhập thường xuyên của người lao động đạt bình quân 30 - 35 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh, cho rằng: “Nhờ cơ chế chính sách phù hợp, sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền cũng như sự nỗ lực vươn lên, các mô hình HTX phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua phát triển mạnh mẽ với nhiều hình thức. Trong tổng số 120 HTX phi nông nghiệp, có đến hơn 70% HTX sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện, các cơ chế thuận lợi hơn nữa để khuyến khích các HTX phát triển”.
Thanh Hải