![]() |
HTX thanh long Hậu Lộc đang là điểm sáng trong sản xuất sạch, hiệu quả cao (Ảnh: Tư liệu) |
Hàng loạt điểm sáng
Để mở cánh cửa thị trường, loại bỏ tình trạng thương lái ép giá, HTX thanh long Hậu Lộc (xã Hậu Lộc) đang đẩy mạnh hỗ trợ thành viên sản xuất theo hướng hữu cơ, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái.
Giám đốc Lưu Chí Vĩnh cho biết, để đảm bảo hiệu quả bền vững, HTX Hậu Lộc đã đẩy mạnh hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất sạch theo hướng hiện đại.
HTX áp dụng phương pháp trồng thanh long leo giàn, với các ưu điểm vượt trội như gia tăng số lượng cây trên cùng một diện tích, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao, tạo thuận lợi trong việc chăm sóc, thu hoạch và vệ sinh vườn trước và sau khi thu hoạch.
Các thành viên HTX được tham gia các khóa tập huấn nâng cao kỹ thuật, vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Trước và sau mỗi vụ, HTX tổ chức các buổi gặp mặt để các thành viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện quy trình sản xuất.
Trong quá trình sản xuất, việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được HTX quản lý chặt chẽ theo nguyên tắc “4 đúng”, loại bỏ hoàn toàn các loại hóa chất độc hại, ưu tiên các loại phân bón hữu cơ, vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, qua đó bảo đảm hiệu quả sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Một điển hình HTX khác trên địa bàn huyện Tam Bình là HTX Nông nghiệp Tân Tiến (xã Mỹ Lộc). Xuất hiện trên thị trường từ đầu tháng 8/2018, gạo sạch Hương Xuân - sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ của HTX đang được người tiêu dùng đón nhận tích cực.
Nhờ sản xuất sạch, HTX trở thành đối tác tin cậy cho hệ thống siêu thị Saigon Co.op, với sản lượng hàng chục tấn mỗi năm.
Ông Dương Văn Thành - Chủ tịch HĐQT HTX, cho biết hơn 40 ha đất trồng lúa của HTX đã “thay da đổi thịt” sau 3 năm kiên trì thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái.
Sản xuất hữu cơ giúp năng suất lúa của thành viên HTX tăng đáng kể, từ bình quân gần 4 tấn/ha vụ Hè Thu 2016 lên hơn 6 tấn/ha trong vụ Đông Xuân 2018 - 2019.
Lợi nhuận ước tính tăng từ 20 triệu đồng/ha năm 2016 lên hơn 40 triệu đồng/ha năm 2017 và hơn 50 triệu đồng/ha năm 2018 và xấp xỉ 55 triệu đồng/ha năm 2019.
![]() |
Các HTX đang được huyện Tam Bình thúc đẩy để phát triển bền vững (Ảnh TL) |
Hướng tới phát triển bền vững
Trong khi đó, HTX Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng (xã Bình Ninh) hàng năm tạo việc làm cho trên 1.000 lao động nữ. Cây lục bình - nguyên liệu chính của HTX, trước đây chỉ dùng làm thức ăn nuôi heo, nhưng nay đã trở thành cây giúp các hộ dân nghèo ở Tam Bình thoát nghèo.
Để tạo việc làm cho lao động, HTX Quyết Thắng đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề của huyện tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nữ với mức thu nhập ổn định.
Bà Phạm Thị Tơ – Giám đốc HTX, cho biết: “Nhờ uy tín gây dựng nhiều năm, HTX không sợ thiếu việc làm, chỉ cần các chị em chịu học hỏi, nâng cao tay nghề để thu nhập cao hơn. HTX hướng tới mở thêm nhiều lớp dạy nghề cho phụ nữ dân tộc, giúp họ thoát nghèo, vươn lên làm chủ kinh tế”.
Hiện, sản phẩm của HTX Quyết Thắng khá đa dạng, từ những loại đơn giản như thảm, chiếu lục bình cho đến những sản phẩm phức tạp hơn như kệ đựng báo, chai đựng rượu, khay giấy, chậu bông các loại và ghế salon…
Hậu Lộc, Tân Tiến và Quyết Thắng chỉ là 3 trong số hàng chục HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả trên địa bàn huyện Tam Bình. Riêng trong năm 2019, huyện thành lập được 3 HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012, nâng tổng số HTX toàn huyện lên con số 20.
Các HTX đang là điểm tựa phát triển kinh tế cho 630 thành viên tham gia các loại hình thương mại - dịch vụ, xây dựng, trồng cam sành, rau màu, sản xuất lúa giống, lúa hữu cơ, trồng thanh long và thủ công mỹ nghệ. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho hơn 3.500 lao động nông thôn.
Toàn huyện cũng có 281 tổ hợp tác sản xuất với 23.200 thành viên tham gia lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; phi nông nghiệp - dịch vụ.
Sáu Ngạn