Từ một xã có đến 97% là đồng bào dân tộc thiểu số và có mức sống khó khăn, đến xã Sơn Điền hôm nay đã có sự đổi thay rõ nét, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư xây dựng hoàn thiện, những ngôi nhà kiên cố khá khang trang mọc lên ngày càng nhiều, các mô hình kinh tế tập thể, HTX cũng dần được hình thành.
Bước đầu hình thành liên kết
Thông qua các chương trình 135, 30a, xã Sơn Điền đã thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng vật nuôi, tái canh cà phê, trồng xen và đa dạng các giống vật nuôi.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, ban ngành chức năng ở địa phương đã cung cấp con giống chất lượng cao; đồng thời hướng dẫn kỹ thuật để người dân nuôi bò lai, heo đen, gà ta thả đồi. Những vật nuôi này có sức sống tốt, chất lượng vượt trội so với các giống gà, heo, bò thông thường khác.
Tiêu biểu như mô hình tổ hợp tác nuôi heo đen xã Sơn Điền đang được đánh giá là mang lại hiệu quả rõ nét, giúp người dân nâng cao thu nhập và giảm nghèo.
Những năm trước, việc chăn nuôi chủ yếu tự phát, quy mô không ổn định, nuôi theo kinh nghiệm, tập quán chăn nuôi thả rông nên hiệu quả kinh tế không cao và ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân.
Vì vậy, để nâng cao nhận thức, tạo sinh kế cho đồng bào nghèo, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương trong việc phát triển giống heo đen, 2 năm trở lại đây, xã bắt đầu khuyến khích người dân liên kết thành tổ hợp tác, sau đó tự nhân giống phát triển chăn nuôi quy mô lớn, bảo đảm heo đen trở thành hàng hóa chủ lực, là đặc sản của địa phương.
![]() |
Sơn Điền đang hình thành chuỗi chăn nuôi hàng hóa nhờ tạo điều kiện cho người dân phát triển mô hình tổ hợp tác. |
Bên cạnh việc nuôi thả tự nhiên, tổ hợp tác trong xã còn được hỗ trợ xây hệ thống chuồng trại nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.
Anh K Bổi, thành viên tổ hợp tác, cho biết heo nhà anh có 2 con heo nái giống, bình quân 1 con nái đẻ từ 10 - 15 heo con mỗi năm. Ngoài bán heo giống ra, anh để nuôi thịt và giá bán luôn cao gấp 2 - 3 lần so với heo thịt ngoài thị trường.
“Từ nuôi heo đen, gia đình tôi đã có thu nhập ổn định, cuộc sống dần đổi thay, các con có quần áo và cặp sách mới đến trường, nhà cửa được sắm sửa đầy đủ các vật dụng, như: ti vi, tủ lạnh, xe máy”, anh K Bổi cho biết.
Nhiều hộ dân ở Sơn Điền đã lập trang trại với hàng chục con heo và tham gia tổ hợp tác để thuận lợi cho việc chăm sóc và tiêu thụ… Từ đây, cách nghĩ, cách làm của người nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều thay đổi. Đồng thời, mô hình này liên kết sản xuất này cũng là cơ sở để tiến tới xây dựng thương hiệu heo đen Sơn Điền, góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân.
Ngoài chăn nuôi, việc chính quyền địa phương tích cực hướng dẫn người dân đưa các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao về trồng cũng được chú trọng, bao gồm bơ 034, sầu riêng, mắc ca, mít nghệ… với diện tích gần 60ha.
Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ kinh phí cho huyện Di Linh để triển khai các mô hình trồng chanh dây, trồng dâu nuôi tằm, nuôi dúi trên địa bàn xã Sơn Điền nhằm giúp hộ nghèo và cận nghèo của xã về sinh kế để giảm nghèo, thoát nghèo bền vững.
Theo UBND xã Sơn Điền, địa phương còn được đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn và công trình thủy lợi để phát triển sản xuất. Hiện xã có gần 2.000 ha đất sản xuất nông nghiệp được chủ động nước tưới, đạt trên 83%.
Giảm nghèo đi vào thực chất
Trước đây, cản trở duy nhất để Sơn Điền giảm nghèo đó chính là đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho khó nâng cao thu nhập. Trong khi điều kiện thời tiết khắc nghiệt là nguyên nhân khiến người dân khó nâng cao kinh tế từ nông nghiệp. Trong đó, phần lớn người dân chủ yếu phát triển cà phê và lúa nước nhưng đất đai cằn cỗi.
Trước thực tế trên, để nâng cao thu nhập, giúp người dân giảm nghèo, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao về trồng chính là giải pháp cấp bách được chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng. Nhờ triển khai mô hình đa cây, đa con; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, cả trăm hộ dân nơi đây đã từng bước cải thiện thu nhập, thoát nghèo.
Nếu trong giai đoạn 2010 - 2011, thu nhập bình quân đầu người ở xã Sơn Điền chỉ đạt khoảng 19 triệu đồng/người/năm, thì hiện nay, bình quân thu nhập đầu người đạt hơn 42 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5,3% xuống dưới 3%. Đây được coi là bước ngoặt quan trọng giúp xã từng bước hoàn thành các tiêu chí trong giảm nghèo bền vững.
Theo đánh giá của UBND xã Sơn Điền, mục tiêu cuối cùng trong giảm nghèo không chỉ dừng ở việc tăng thu nhập cho người dân thông qua việc ấn định bằng một con số cụ thể nào đó để có thể cán đích cho một lộ trình ngắn hạn. Điều quan trọng là sự bền vững, để người dân Sơn Điền có thể chủ động đảm bảo cuộc sống đủ đầy bằng chính nội lực của họ.
Tín Hảo