![]() |
Các HTX tại Tam Nông đang phát huy vai trò liên kết nông dân sản xuất lớn, mang lại lợi ích kép về kinh tế, ATLĐ (Ảnh Tư liệu) |
Đẩy mạnh liên kết
Hơn 5 năm qua, huyện Tam Nông được tỉnh Đồng Tháp chọn triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp với ngành hàng lúa gạo.
Theo đó, huyện đã triển khai thực hiện đề án trên diện tích hơn 5.000 ha ở 12 HTX của 5 xã và thị trấn. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả, huyện đã kêu gọi các công ty, doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, tiêu thụ đầu ra nông sản cho nông dân trong HTX.
Bên cạnh thực hiện đề án trên, các HTX trên địa bàn huyện cũng thực hiện thành công nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Cụ thể, tính đến cuối năm 2019, diện tích thực hiện mô hình cánh đồng lớn của huyện là gần 48.300ha, đạt 100% kế hoạch (tăng 30.000ha so với năm 2010).
Trong quá trình phát triển, các HTX trên địa bàn đang khẳng định vai trò là một trong những đầu tàu dẫn dắt các thành viên, hộ liên kết xây dựng cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng khoa học – kỹ thuật mới, đẩy mạnh cơ giới hóa gắn với ATLĐ vào sản xuất.
HTX Tân Cường là một trong những đơn vị kinh tế hợp tác tiêu biểu nhất của huyện Tam Nông. Kể từ vụ hè thu năm 2013, HTX đã bắt đầu thí điểm 200ha sản xuất cánh đồng lớn theo chuỗi giá trị gắn với đảm bảo ATLĐ, vệ sinh thực phẩm.
Vào HTX, các thành viên được tập huấn kỹ thuật, trang bị kiến thức về ATLĐ, giúp quá trình canh tác dễ dàng, hiệu quả hơn. Đơn cử như trong quá trình sản xuất, các thành viên được HTX hướng dẫn vận hành máy móc an toàn, hỗ trợ mua đồ bảo hộ như mũ, kính mắt, găng tay…
![]() |
Các HTX sẽ tiếp tục được đẩy mạnh phát triển để làm điểm tựa cho nông dân phát triển sản xuất an toàn, bền vững (Ảnh TL) |
Thêm động lực cho HTX
HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến, xã Phú Đức cũng đang là một trong những điểm sáng trong phát triển sản xuất hiện đại gắn với ATLĐ tại Tam Nông. Được thành lập từ năm 1999, HTX đang liên tục có bước phát triển mạnh nhờ linh hoạt thích ứng thị trường.
HTX Tân Tiến chuyển đổi theo luật HTX 2012 vào tháng 12/2014, hiện có 4 loại hình dịch vụ gồm dịch vụ nông nghiệp (tưới tiêu, tư vấn kỹ thuật nông nghiệp), cung ứng vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc BVTV), sản xuất giống cây trồng, vật nuôi và vận chuyển hàng hóa.
Để có bước phát triển ổn định, bền vững trong suốt 2 thập kỷ qua, sản xuất an toàn, chú trọng ATLĐ và chủ động ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất chính là “chìa khóa” của HTX.
Đơn cử, năm 2012, HTX đề xuất với ngành nông nghiệp huyện xây dựng mô hình cánh đồng sản xuất theo hướng hiện đại gắn với ATLĐ. Xuất phát điểm với quy mô 200 ha, đến nay đã mở rộng lên quy mô toàn HTX diện tích 887 ha.
Trong quá trình sản xuất, thành viên HTX được hướng dẫn quy trình sản xuất theo chuẩn VietGAP, ứng dụng thuần thục các loại máy móc hiện đại, nắm vững quy định về ATLĐ trong quá trình canh tác, đồng thời được cập nhật thường xuyên các kỹ thuật mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Rõ ràng, hiệu quả trong sản xuất đang giúp các HTX trên địa bàn huyện Tam Nông khẳng định vai trò trong quá trình nâng cao hiệu quả ngành nông nghiệp tại địa phương. HTX Tân Cường và HTX Tân Tiến là những minh chứng rõ nét nhất.
Để nâng cao hiệu quả của khu vực kinh tế hợp tác, HTX, huyện Tam Nông cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh nguồn vốn hỗ trợ các HTX đi sâu vào chế biến để tăng giá trị nông sản, ổn định thu nhập cho thành viên, đồng thời tăng cường tập huấn nâng cao kiến thức về ATLĐ nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động trong HTX.
Nhật Minh