Số liệu thống kê cho thấy, đến nay, tỉnh Kiên Giang có 101/116 xã và 5/15 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới là Tân Hiệp, Gò Quao, Giồng Riềng, Vĩnh Thuận và TP Hà Tiên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Đảm bảo tính bền vững
Theo Quyết định về phê duyệt kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, Kiên Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 có 9/15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 2 huyện nông thôn mới nâng cao), 116/116 xã (đạt 100%) đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 40 xã nông thôn mới nâng cao và 15 xã kiểu mẫu).
![]() |
KIên Giang triển khai đồng bộ các giải pháp trong xây dựng nông thôn mới (Ảnh: Int) |
Để hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Kiên Giang sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp: tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, đảm bảo tính bền vững của chương trình. Thực hiện tốt cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực đầu tư phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể.
Lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang khẳng định, tỉnh sẽ tập trung thực hiện hiệu quả 6 chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề tồn tại trong xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể là Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự; khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; chuyển đổi số, hướng tới nông thôn mới thông minh.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Kiên Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tham gia thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, tỉnh không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn nông thôn, tạo sự cân bằng tương đối giữa các vùng miền, nhất là tạo sự chuyển biến nhanh đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn… thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Đặc biệt, Kiên Giang xác định xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sạch đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Nhân rộng mô hình hiệu quả
Có thể thấy, trong tiến trình xây dựng nông thôn mới tại Kiên Giang thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế hợp tác, với nòng cốt là các HTX và tổ hợp tác, nhất là trong các tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất, thu nhập, giảm nghèo và việc làm. Chính vì vậy, thời gian tới, tỉnh sẽ quan tâm phát triển kinh tế hợp tác cả về “chất” và về lượng, từ đó tạo sự lan tỏa trong sản xuất nông nghiệp cũng như chương trình OCOP.
![]() |
Kinh tế hợp tác, HTX có vai trò quan trọng góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (Ảnh: Int) |
Theo thống kê, đến hết quý I/2022, cả tỉnh Kiên Giang có hơn 500 HTX và trên 2.000 tổ hợp tác đang hoạt động. Khu vực kinh tế tập thể, HTX thu hút trên 97.000 thành viên tham gia, trong đó chủ yếu là đại diện hộ gia đình ở khu vực nông thôn. Mô hình kinh tế tập thể, HTX đã mang lại hiệu quả tích cực trong sản xuất, kinh doanh của thành viên, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang đã có Quyết định phê duyệt danh sách các HTX thí điểm tham gia Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021 - 2025. Các HTX sẽ được hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao trình độ quản lý, kỹ năng marketing, quảng bá sản phẩm, tiếp cận khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, vay vốn ưu đãi, phát triển kết cấu hạ tầng, chế biến sản phẩm...
Theo đó, 3 HTX được chọn là HTX Ngã Bát (huyện An Minh) có 30 thành viên, HTX nông nghiệp Tân Hưng (huyện Châu Thành) có 323 thành viên, HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Kênh 10 (huyện U Minh Thượng) có 52 thành viên.
Trong đó, HTX Tân Hưng lựa chọn mô hình HTX để hoàn thiện là mô hình HTX phát triển nông lâm thủy sản bền vững, 2 HTX còn lại chọn mô hình HTX nông nghiệp đảm nhiệm các dịch vụ đầu vào, sơ chế/chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản.
Đặc biệt, HTX Kênh 10 sẽ được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực sơ, chế biến tơ chuối, trang bị máy xẻ thân chuối, máy tách sợi chuối tự động, máy sấy khô, nhà máy... để tận dụng tối đa cây trồng đặc trưng của địa phương sản xuất ra sản phẩm từ cây chuối an toàn, thân thiện môi trường.
UBND tỉnh đánh giá, các chương trình khuyến nông, hỗ trợ HTX sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Đáng chú ý, các HTX cũng được xác định có vị trí quan trọng trong Chương trình OCOP của tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đến năm 2025, tỉnh sẽ công nhận ít nhất 190 sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên, trong đó ít nhất 5 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao. Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng, ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là HTX và 30% chủ thể là các doanh nghiệp...
Kiên Giang là một trong 4 tỉnh, thành phố được Bộ NN&PTNT lựa chọn thực hiện đề án trung tâm thiết kế sáng tạo và phát triển sản phẩm OCOP cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, đây sẽ là cơ hội tốt để tỉnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với chương trình OCOP, trong đó các HTX có nhiều lợi thế để phát triển trong cả 2 lĩnh vực này.
Ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang khẳng định, việc tận dụng thế mạnh của các làng nghề truyền thống, mở rộng không gian du lịch, khai thác các giá trị văn hóa bản địa gắn với giới thiệu, quảng bá sản phẩm nghề truyền thống, sản phẩm OCOP sẽ góp phần nâng cao giá trị và mang thu nhập khá cho người dân. Qua đó, góp phần chung cho mục tiêu xây dựng 100% xã trong toàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.
Minh Nguyễn