Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh Ninh Bình cho hay, 2022 là năm đầu tiên tỉnh thực hiện các cơ chế, chính sách và Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn mới tầm nhìn 2025.
Nhiều "ngòi nổ" kinh tế nông thôn
Dù đối diện nhiều thách thức, xong quá trình xây dựng nông thôn mới đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Trong đó, tỉnh thực hiện hiệu quả 6 chương trình chuyên đề, bao gồm mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển du lịch nông thôn, khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, môi trường và an ninh trật tự.
Điển hình, trong khi thực hiện chương trình OCOP, Ninh Bình đã có những sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng, miền.
Chương trình OCOP không chỉ góp phần đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng phát triển nội sinh, gia tăng giá trị kinh tế, lợi ích cộng đồng, đặc biệt, đó là điểm cộng cho những địa phương đang xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
![]() |
Diện mạo nông thôn mới tỉnh Ninh Bình đang có những chuyển biến toàn diện. |
Đơn cử, trên địa bàn xã Khánh Thượng (huyện Yên Mô), khởi đầu từ việc "trồng thử vài khay cho con nhỏ và gia đình ăn", đến nay, rau mầm Phượng Minh đã "có sao, có số".
Chị Nguyễn Thị Phượng (xã Khánh Thượng, Yên Mô), chủ cơ sở sản xuất rau mầm cho biết, hiện mỗi ngày cơ sở cung cấp cho thị trường hàng chục kg rau mầm các loại. Cuối tháng 7 năm vừa qua, sản phẩm được hỗ trợ giá thể, giống rau và tem truy xuất nguồn gốc cho cơ sở sản xuất rau mầm an toàn.
Với gần 40 nghìn tem QR Code, thời gian qua rau mầm Phượng Minh được gắn tem điện tử có chứa những thông tin được mã hóa. Khách hàng ứng dụng quét mã sẽ biết rõ thông tin về sản phẩm như: nguồn gốc, ngày sản xuất, hạn sử dụng cũng như lưu ý khi sử dụng sản phẩm hoặc thông tin liên quan.
Với những thành công cả về mặt kinh tế và thương hiệu, vừa qua, sản phẩm rau mầm Phượng Minh tiếp tục được Hội đồng OCOP cấp tỉnh xét công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao.
Cùng với OCOP, khu vực kinh tế hợp tác, HTX cũng đang là một trong những ngòi nổ trong xây dựng nông thôn mới ở Ninh Bình.
Đến nay, toàn tỉnh có 467 HTX (tăng so với cuối năm 2021 là 30 HTX), trong đó có 83 HTX, 2 Liên hiệp HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, một số HTX ứng dụng công nghệ cao, liên kết hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
Mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị đã tạo nên các sản phẩm mang giá trị hàng hóa, sản phẩm đạt tiêu chí quốc gia, chất lượng, thương hiệu được nâng lên, quan tâm công đoạn bảo quản, chế biến, xây dựng thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Khu vực kinh tế tập thể tạo việc làm, tăng thu nhập cho đông đảo thành viên và người lao động, trong năm đã tạo được hơn 1.200 việc làm mới, nhất là khu vực nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững.
Thúc đẩy đổi mới toàn diện
Một trong những điểm sáng trong khu vực kinh tế hợp tác tỉnh Ninh Bình là HTX Sinh Dược xã Gia Sinh (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Thành lập từ năm 2014 với 10 thành viên, đến nay thành viên HTX đã tăng 6 lần, mỗi vườn nguyên liệu, xưởng chế biến của đơn vị hiện có khoảng 25 lao động làm việc.
Nhờ mở rộng hoạt động kinh doanh, HTX đã đem lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương với mức lương trung bình tương đối cao với mặt bằng chung tại khu vực nông thôn, bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ phát huy tốt tiềm năng nguyên liệu sẵn có, HTX Sinh Dược còn thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp tại Ninh Bình, góp phần tạo việc làm ổn định cho nhiều hộ dân trên địa bàn, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại địa phương.
Chính những ngòi nổ từ OCOP, kinh tế hợp tác, HTX… quá trình xây dựng nông thôn mới những năm qua tại Ninh Bình đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Các địa phương cũng đã thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, phát triển mạnh mẽ ngành nghề nông thôn, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Kết quả, thu nhập của người dân được nâng lên. Đến hết năm 2022 thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh đạt 57,9 triệu đồng/người/năm, trong đó, khu vực nông thôn đạt 55,7 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 7 triệu đồng/người so với năm 2021).
Cũng trong năm 2022, tỉnh đã có thêm huyện Nho Quan được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Ninh Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, huyện Kim Sơn đủ điều kiện xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Phong trào thi đua xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu cũng ngày càng lan tỏa rộng khắp, được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng tham gia tích cực với những con đường hoa, đường cây ngày càng được nối dài, các nhà văn hóa thôn, xóm khang trang, hiện đại với đầy đủ các thiết chế văn hóa. Những ngôi nhà sạch, vườn đẹp ngày càng nhiều hơn, đây thực sự là những miền quê đáng sống.
Để nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, thời gian tới, các địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí. Trong đó, tranh thủ các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Lệ Chi