Tại HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Đông Lai, Giám đốc HTX - ông Phạm Văn Thuật, cho biết HTX được thành lập năm 2017 với 20 hộ thành viên, hoạt động kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và trồng cây có múi.
Chú trọng sản xuất theo chuỗi giá trị
Khi mới thành lập, diện tích cho các loại cây trồng theo mô hình VietGAP là 30 ha, trong đó sản phẩm chủ lực của mô hình là bưởi đỏ Tân Lạc. Dự kiến 2019, HTX sẽ tăng diện tích sản xuất lên gấp 2 lần so với năm 2018.
Bên cạnh đó, HTX phát triển sản xuất nuôi cá lồng trên lòng hồ Sông Đà. Năm 2018, HTX đã đầu tư 100 lồng nuôi theo quy trình VietGAP với nhiều chủng loại cá với sản lượng đến hàng trăm tấn. Tuy mới hoạt động nhưng với sự chung sức đồng lòng của các thành viên HTX, năm 2017, doanh thu đạt gần 10 tỷ đồng.
Hiện nay, hình thức liên kết hợp tác tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp thông qua HTX trên địa bàn tỉnh đã đem lại hiệu quả thiết thực nhưng số lượng còn ít. Chính vì vậy ngay khi thành lập, HTX đã định hướng sản xuất gắn với chuỗi giá trị, chú trọng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp có uy tín.
![]() |
Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo thăm HTX Đông Lai |
Hiện, HTX đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nhiều đối tác trên cả nước, sản phẩm của HTX đã có mặt trên kệ bán hàng của các hệ thống siêu thị lớn như Big C, Vinmart... Tuy nhiên, do mới thành lập nên HTX vẫn còn khó khăn về vốn do phải chia ra nhiều hạng mục để đầu tư, vừa phân bổ nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng vừa phát triển thị trường, mở rộng sản xuất...
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo đã biểu dương những kết quả đạt được của HTX trong thời gian qua. Với những đề xuất của HTX đề nghị được hệ thống Liên minh hỗ trợ HTX phát triển trong thời gian sắp tới, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo đã chỉ đạo các ban, đơn vị của Liên minh HTX Việt Nam sẽ tư vấn, hỗ trợ về các mảng khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu... đồng hành giúp cho HTX phát triển tốt hơn nữa.
Dần hình thành vùng nguyên liệu
Chiều cùng ngày, đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) và khảo sát thực tế mô hình cam V2, thôn Sỏi xã Phú Thành; lò ấp trứng Lạc Thủy; mô hình trồng chè cao sản; mô hình chăn nuôi gà thả vườn, thôn Bột, xã Phú Thành.
Toàn huyện Lạc Thủy hiện có 38 HTX đang hoạt động, trong đó có 32 HTX nông nghiệp, chủ yếu cung cấp dịch vụ vật tư nông nghiệp, dịch vụ thủy lợi, sản xuất chế biến nông, lâm, thủy sản.
![]() |
Đoàn công tác tham quan lò ấp trứng Lạc Thuỷ |
Khu vực HTX có trên 1.000 thành viên. Tổng doanh thu ước tính của các HTX trên địa bàn huyện trong năm 2018 ước đạt 20 tỷ đồng, lãi suất đạt 4,2 tỷ đồng với hơn 50% số HTX hoạt động có lãi.
Phần lớn các HTX đã xác định được mục tiêu hoạt động, sản phẩm chủ lực như cây có múi (toàn huyện có 1.208 ha diện tích đất canh tác, trong đó cam có 731ha, bưởi 339ha); chè búp, na Lạc Thủy.
Đặc biệt, huyện cũng đã hỗ trợ 1 HTX phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trồng rau trong nhà kính với diện tích 10.000 m2, phát triển vùng trồng rau an toàn 250 ha…
Ngoài ra, các HTX trên địa bàn còn phát triển chăn nuôi, chủ yếu là gà. Hiện các sản phẩm như gà thịt, trứng gà của các HTX trên địa bàn huyện cũng nhận được những phản ứng tích cực từ thị trường.
Các sản phẩm từ HTX trên địa bàn huyện hiện vấn chủ yếu bán tự do trên thị trường, nhưng đã bắt đầu có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, dần hình thành vùng trồng nguyên liệu.
Tuy nhiên, phần lớn các HTX trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, chưa có trụ sở làm việc, chưa có trung tâm giao dịch. Hạ tầng phục vụ sản xuất, vốn lưu động, năng lực hoạt động, xúc tiến thương mại còn yếu.
Hồng Nhung