Ở Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, đối tượng HTX được củng cố trong xây dựng NTM chủ yếu là loại hình HTX nông nghiệp. Trong tổng số 1.678 HTX và quỹ TDND hiện có, Hà Nội có 983 HTX nông nghiệp, chiếm 59%. Các năm 2010 - 2012, Liên minh HTX Thành phố đã chủ trì củng cố 18 HTX ở các xã điểm NTM, trên địa bàn 18/29 quận, huyện Thủ đô. Hoạt động này mang ý nghĩa "kép", vừa thể hiện vai trò tổ chức Liên minh HTX trong cuộc vận động xây dựng NTM, vừa có kinh nghiệm tham mưu chính sách củng cố phát triển HTX trên địa bàn.
Theo đánh giá của Liên minh HTX Tp. Hà Nội, đến nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở đã có quan tâm cụ thể hơn với hoạt động củng cố HTX. Bản thân các HTX qua thực hiện "Đề án củng cố" đã ý thức được cơ hội cải thiện, đổi mới tổ chức và hoạt động. Từ đó, các HTX tập trung cụ thể vào các nội dung quan trọng, như sửa đổi Điều lệ HTX phù hợp với Luật HTX 2012, tổ chức xác định lại tư cách xã viên thông qua đồng vốn góp tự nguyện, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh dịch vụ phù hợp với thực tế địa bàn... Các HTX sau củng cố bước đầu đều có hướng kinh doanh dịch vụ tổng hợp, hiệu quả hoạt động nâng cao hơn trước.
![]() |
Xây dựng đường giao thông trong NTM ở huyện Đông Anh
Từ xuất phát điểm thấp, lại vướng rào cản quá lớn từ nhận thức xã hội mặc cảm với mô hình HTX, việc củng cố và phát triển HTX nói chung, HTX nông nghiệp trong xây dựng NTM nói riêng còn nhiều khó khăn. Những hạn chế nhận thấy ở Hà Nội đến nay là quy mô HTX rất khác nhau (có quy mô thôn, có quy mô toàn xã và đa phần là các HTX thuần nông), phổ biến các HTX đang lúng túng vì làm các dịch vụ truyền thống không hiệu quả... Thế nên, quá trình tư vấn HTX trở nên rất phức tạp, nhất là việc hướng dẫn mở rộng kinh doanh dịch vụ mới.
Phản ánh từ một số HTX cho thấy quá trình củng cố cũng khá sinh động. Cụ thể như HTX Đại Áng (huyện Thanh Trì) tăng vốn góp tối thiểu từ 100.000 đồng lên 1 triệu đồng/xã viên, các cán bộ quản lý HTX góp vốn gấp 5 lần xã viên, nâng vốn điều lệ HTX từ 4,5 triệu đồng lên 100 triệu đồng. HTX Mai Đình (huyện Sóc Sơn) khi củng cố có trên 1.000 xã viên không góp vốn, còn lại 70 xã viên đã cùng nhất trí góp vốn điều lệ 3 triệu đồng/xã viên.
Ở HTX Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) trước đây khoảng 5.000 xã viên không góp vốn, đến dịp củng cố vừa rồi đã có trên 1.000 xã viên đăng ký lại, tham gia HTX với mức góp vốn 1,5 triệu đồng/xã viên. Đó là nguồn tài chính "thực" để HTX Sơn Đông kinh doanh các dịch vụ quản lý chợ, tín dụng nội bộ và làm đất...
Như tồn tại lâu nay, HTX nông nghiệp kiểu truyền thống thường rất đông xã viên, vốn góp nhỏ và chỉ hình thức trên giấy tờ... Đến nay, Hà Nội thực hiện củng cố HTX trong xây dựng NTM đã thực sự trở thành cơ hội lớn, giúp các HTX điều chỉnh nâng cao vốn điều lệ và vốn góp của xã viên, để có đủ nguồn lực đổi thay và phát triển.
Ông Phạm Văn An, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Chủ tịch Liên minh HTX Tp.Hà Nội, cho biết: Với những giải pháp được đánh giá là tích cực, Liên minh HTX Thành phố phối hợp với Ban Chỉ đạo xây dựng NTM các cấp để củng cố HTX, cụ thể như tuyên tuyền xã viên tự nguyện đăng ký, góp vốn thực vào HTX, tổ chức dồn điền đổi thửa theo quy hoạch, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi và phải thông qua ở Đại hội xã viên HTX...
Theo kế hoạch củng cố HTX xây dựng NTM năm 2003, Liên minh HTX Thành phố phân công các phòng, ban triển khai củng cố 30 HTX ở 29 xã của 10 huyện ngoại thành, với quyết tâm đổi mới HTX theo mô hình kiểu mới và đúng với Luật HTX 2012.
Lưu Đoàn