Sau khi hoàn thành sáp nhập vào tháng 6/2017, HTX nông nghiệp Ân Tín (xã Ân Tín, huyện Hoài Ân) duy trì hoạt động với 7 loại hình dịch vụ, tạo việc làm thường xuyên cho 75 lao động.
Dịch vụ sản xuất và kinh doanh gạch đang đem lại hiệu quả cao nhất với khoảng 40 lao động, thu nhập bình quân 3 - 3,5 triệu đồng/người/ tháng. Các dịch vụ khác như xăng dầu, điện, thủy lợi… tạo việc làm cho 35 lao động, thu nhập bình quân 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.
HTX nông nghiệp Phước Hiệp (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) đang tạo việc làm cho 8 lao động thường xuyên, được hưởng lương và các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước.
Bên cạnh đội ngũ lao động chính thức, HTX Phước Hiệp còn tuyển thêm lao động địa phương làm việc theo thời vụ, với số lượng khoảng 200 người/năm, thu nhập được tính theo năng suất công việc.
![]() |
Các HTX nông nghiệp đang đóng vai trò quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo tại Bình Định |
Sau khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, HTX nông nghiệp Phước Hưng (xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước) đã thực hiện liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa giống, tạo thêm nhiều việc làm, gia tăng thu nhập cho thành viên.
Năm 2013, HTX Phước Hưng đầu tư thiết bị, mở thêm dịch vụ thu gom rơm rạ, ký hợp đồng cung ứng rơm cuộn cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Ngoài số lao động thường xuyên, số lao động làm thời vụ tại HTX khoảng 180 người/năm…
Đánh giá về các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, ông Ngô Thanh Lý, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bình Định, chia sẻ: “Chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới chính là bước ngoặt giúp các HTX nông nghiệp của tỉnh mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương”.
“Sau khi chuyển đổi, các HTX không chỉ hoạt động sản xuất nông nghiệp thuần túy mà còn kết hợp kinh doanh dịch vụ, góp phần tăng doanh thu cho HTX. Những năm qua, dù số lượng HTX trong tỉnh giảm nhưng số lao động trong khu vực tăng lên, thu nhập được cải thiện theo từng năm”, ông Lý tiếp tục.
Trong bối cảnh hội nhập, để đáp ứng nhu cầu thị trường, mở rộng sản xuất, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định đang chủ động đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh.
Theo khảo sát, Bình Định hiện có 22 HTX nông nghiệp thực hiện liên kết với các doanh nghiệp, cung cấp nhiều loại hình dịch vụ và cho hiệu quả cao.
Tiêu biểu như HTX Phước Hưng liên kết với Tổng công ty CP Giống cây trồng Thái Bình sản xuất lúa giống; HTX nông nghiệp Ân Tín liên kết với HTX sản xuất gạch ngói Phú Phong (huyện Tây Sơn) sản xuất gạch công nghệ cao; HTX nông nghiệp Nhơn Thọ II liên kết với Công ty may Minh Trí (TP.HCM) đầu tư xưởng may quy mô lớn gần 9 tỷ đồng…
Dù còn nhiều khó khăn, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định đang thể hiện vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
H.N