![]() |
Quỹ tín dụng nhân dân đang phát huy tốt vai trò của mình trong cấp vốn cho các HTX. (Ảnh: Int) |
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), khu vực kinh tế tập thể (KTTT), Hợp tác xã (HTX) có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế. Trong giai đoạn 2016-2020, NHNN đã ban hành nhiều cơ chế ưu đãi cho các HTX như chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) đơn giản hóa thủ tục vay vốn; đẩy mạnh cho vay HTX…
Theo chia sẻ của Agribank, trên cơ sở đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020, Agribank xem là đây là một định hướng quan trọng và hết sức cần thiết tạo bước đột phá trong phát triển HTX, nhất là tiếp cận nguồn vốn, góp phần thực hiện thành công chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, đối với cho vay HTX, dư nợ của Agribank tăng dần qua các năm từ 1.377 tỷ đồng (năm 2017) tăng lên 1.483 tỷ đồng (năm 2018). Bình quân dư nợ cho vay 01 HTX là 3,5 tỷ đồng.
Còn Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co.opBank), nhìn lại 25 năm qua, đã thực hiện tốt nhiệm vụ cốt lõi của mình là hỗ trợ chăm sóc thành viên Quỹ Tín dụng Nhân dân (QTDND) thông qua công tác điều hòa, cung ứng vốn cho các quỹ khi cần thiết.
Theo thống kê của NHNN, đến nay hệ thống QTDND bao gồm gần 1.200 Quỹ, hoạt động tại 57 tỉnh, thành phố, với hơn 1,7 triệu thành viên tham gia, nguồn vốn của các QTDND hơn 136 nghìn tỷ đồng (bình quân 115,1 tỷ đồng/quỹ); Dư nợ cho vay đạt hơn 98 nghìn tỷ đồng (chiếm 72,4% tổng nguồn vốn). Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020, hệ thống QTDND có thu nhập lớn hơn chi phí là 798 tỷ đồng.
Trong đó, 100% QTDND là thành viên của Ngân hàng hợp tác xã (NHHTX); Tổng nguồn vốn của Co.opBank đạt hơn 39 nghìn tỷ đồng; Dư nợ cho vay đạt 21,5 nghìn tỷ đồng (trong đó cho vay các QTDND thành viên là 3,7 nghìn tỷ đồng).
Theo đánh giá của NHNN, hoạt động của hệ thống TCTD là HTX tương đối ổn định, các chỉ tiêu cơ bản đều có mức tăng trưởng khá, nợ xấu toàn hệ thống có tỷ lệ thấp. Các QTDND vẫn tiếp tục phát huy được ưu thế riêng trong công tác huy động vốn, cho vay đối với thành viên.
Bên cạnh đó, năng lực tài chính và quy mô hoạt động của Co.opBank từng bước được nâng cao, đảm bảo nguồn lực thực hiện vai trò điều hòa vốn và hỗ trợ thanh khoản đối với hệ thống QTDND, nhất là các QTDND gặp khó khăn tạm thời về chi trả tiền gửi.
Được biết, các HTX sau khi vay vốn của QTDND phát triển khá hiệu quả, đã tăng trưởng về quy mô và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Cụ thể, doanh thu, lợi nhuận sau thuế tăng bình quân 50% - 60%; số thành viên tăng bình quân 4%; số lao động tăng bình quân 37%; thu nhập bình quân tăng 35%; số nộp ngân sách tăng bình quân 74%.
Dẫu vậy, NHNN đánh giá, hiện nay năng lực tài chính của Co.opBank vẫn còn thấp, mạng lưới chi nhánh của Co.opBank không nhiều, lãi suất cho vay vẫn cao... dẫn đến hạn chế vai trò đầu mối, liên kết hệ thống và hạn chế khả năng điều hoà vốn, hỗ trợ thanh khoản cho các QTDND thành viên.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực KTTT, HTX tiếp cận vốn, NHNN đưa ra giải pháp đối với cơ chế, chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển KTTT sẽ điều tiết lãi suất thị trường phù hợp với “sức khoẻ” của HTX.
Bên cạnh đó, chú trọng cho vay các mô hình HTX kiểu mới làm ăn có hiệu quả, theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm có thế mạnh.
Đối với các TCTD là HTX, NHNN cho biết đang hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm tăng cường gắn kết trách nhiệm và quyền lợi giữa các thành viên của QTDND, liên kết giữa các QTDND với Co.opBank, Hiệp hội QTDND, Quỹ Bảo toàn để phát triển hệ thống QTDND; tăng cường các hoạt động hỗ trợ khi có rủi ro thanh khoản, tương trợ lẫn nhau trong quá trình hoạt động giữa các QTDND.
Cùng với đó, tăng cường quản lý Nhà nước đối với hệ thống QTDND thông qua công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ tiềm ẩn rủi ro; xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro, QTDND yếu kém, không làm ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống QTDND nói riêng và an toàn hệ thống các TCTD nói chung.
Song hành với các giải pháp trên, NHNN cho rằng để phát huy hơn nữa vai trò của HTX trong quá trình đổi mới, phát triển kinh tế đất nước đòi hỏi phải có hệ thống các chính sách đồng bộ để khuyến khích và tạo điều kiện cho khu vực này phát triển.
Trong đó, đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình HTX kiểu mới, đặc biệt là mô hình điểm về HTX kiểu mới tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020 gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực có quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giúp cho các TCTD có cơ sở đầu tư vốn.
Hoàng Hà