"Trong thực tế chỉ có khoảng 2% số HTX nông nghiệp trong cả nước tiếp cận được vốn các tổ chức tín dụng (TCTD). Bình quân 5 năm qua, chỉ có khoảng 4% HTX tiếp cận được với nguồn vốn các TCTD. Do các ngân hàng thương mại và các TCTD là các đơn vị thuần túy kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận, yêu cầu cao về điều kiện, e ngại cho vay HTX vì chi phí cho vay cao; số HTX hoạt động có hiệu quả chỉ chiếm 45%, nên khả năng đáp ứng các điều kiện của ngân hàng còn hạn chế, nhiều HTX thiếu tài sản bảo đảm...", Báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam cho biết.
Chờ nguồn vốn
Một ngày mưa tháng 9/2018, ông Phạm Văn Cảnh - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hợp Lực (thị trấn Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), lại đi dạo quanh trang trại của HTX. Nhìn trang trại, ông nhớ lại cảnh khó khăn khi HTX mới thành lập.
Năm 2012, HTX Hợp Lực được thành lập dựa trên nhu cầu liên kết phát triển của các thành viên trong xã và sự vận động của Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh. Thời điểm đó, HTX có 7 thành viên, vốn điều lệ chỉ 750 triệu đồng.
Lúc mới thành lập, HTX chưa định hướng được sản phẩm chủ lực nên đã "thử" qua nhiều cách: Nuôi bò, nuôi dê đến trồng cây ăn quả… tất cả đều thất bại.
Đến năm 2014, khi khu công nghiệp Formosa Vũng Áng bắt đầu hoạt động, nhận thấy nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn tăng vọt, ông Cảnh đã chuyển hẳn sang nuôi lợn cung cấp cho khu công nghiệp. Đến nay, HTX có khoảng 650 con lợn nái. Mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường 7.000 - 8.000 con lợn thịt.
Nhận thấy trong quá trình nuôi lợn, lượng phân thải ra mỗi ngày không hề nhỏ, ông Cảnh đã bàn với các thành viên HTX xây hầm biogas, vừa bảo vệ môi trường vừa tận dụng tối đa được nguồn chất thải từ chăn nuôi, tạo vòng khép kín trong sản xuất.
Ngoài ra, HTX cũng tận dụng địa hình đất ruộng để xây dựng các hồ nuôi cá, vừa tận dụng được thức ăn thừa từ nuôi lợn lại có thêm thu nhập…
Đến nay, doanh thu của HTX đạt 20 tỷ mỗi năm, tạo việc làm cho 12 lao động thường xuyên với thu nhập trung bình trên 7 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, HTX vẫn chưa tận dụng hết diện tích 7ha của mình, vẫn còn có thể mở rộng thêm khu chuồng trại và ao nuôi cá.
Nhưng vấn đề để mở rộng trang trại chăn nuôi là vốn. Có vốn mới có thể mở rộng sản xuất được, mà ông Cảnh lại không biết huy động vốn ở đâu!
Vay vốn từ ngân hàng? Các ngân hàng có yêu cầu cao về tài sản thế chấp là một điều khó. Quy trình vay vốn phức tạp là hai điều khó. Lãi suất ngân hàng là ba điều khó…
Vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ Liên minh HTX? Quỹ hỗ trợ tỉnh chỉ cho vay được 500 triệu, nhưng HTX của ông lại cần đến 5 tỷ đồng. Vay vốn của Quỹ Trung ương? Ông đã làm hồ sơ, tuy nhiên nguồn vốn vay hiện nay chưa đủ để giải ngân cho HTX của ông.
![]() |
Ông Phạm Văn Cảnh - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Hợp Lực (áo đỏ), hướng dẫn khách tham quan ao cá của HTX |
Chuyện 1.000 tỷ đồng
Có thêm vài tỷ đồng để mở rộng sản xuất, doanh thu sẽ tăng lên nhiều lần không phải là vấn đề của riêng ông Cảnh và HTX Hợp Lực, mà còn là vấn đề của nhiều HTX khác trên cả nước.
Ông Đỗ Văn Lừng - Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận (Văn Chấn, Yên Bái), bày tỏ: "Việc tiếp cận vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX dễ dàng, thuận lợi. Tuy nhiên nguồn vốn của Quỹ còn hạn hẹp. Trong khi đó, đặc thù của các HTX nông nghiệp là cần lượng vốn lưu động lớn. Nguồn vốn để hỗ trợ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX gần như không đủ để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các HTX trong cả nước. Bởi vậy, nhiều HTX trong điều kiện không tiếp cận được vốn đã phải chấp nhận vay nặng lãi (tín dụng đen) để có nguồn vốn thực hiện phương án kinh doanh".
Từ khi được thành lập (năm 2006) đến nay, nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX cũng chỉ đạt 100 tỷ đồng, nên đến nay, Quỹ gần như không còn nguồn vốn để cho vay, chỉ thu hồi dần vốn gốc để cho vay tiếp.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận tăng vốn cho Quỹ theo lộ trình "đến năm 2018 đạt 500 tỷ đồng và đến năm 2020 đạt 1.000 tỷ đồng…", nhưng thực tế Quỹ vẫn chưa nhận được nguồn vốn bổ sung này.
Một ví dụ đơn giản, xây dựng 400 HTX hoạt động hiệu quả theo Đề án phát triển 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 của Quốc hội, sẽ cần kinh phí lên tới 1.200 tỷ đồng. Riêng 130 HTX đã được Liên minh HTX xây dựng đã tốn khoảng 400 tỷ đồng.
Đó là chưa kể việc cho vay vốn của Quỹ vẫn phải đáp ứng những lĩnh vực cần ưu tiên theo chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, như: Cho vay các HTX xây dựng NTM; các HTX xây dựng chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; tiểu thủ công nghiệp; xử lý môi trường...
"Do đó, hiện Quỹ mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ, không đáng kể so với nhu cầu phát triển của khu vực KTHT, HTX. Vì vậy, việc bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ là hết sức cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách về vốn tín dụng để thực hiện những chủ trương, mục tiêu, giải pháp phát triển khu vực KTHT, HTX trong giai đoạn hiện nay", Giám đốc Quỹ phát triển HTX - ông Phạm Công Bằng, cho hay.
Nói về sự cần thiết của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Dự thảo Nghị định về Quỹ hỗ trợ phát triển HTX cần sát hơn với thực tế và tạo điều kiện thuận lợi cho HTX tiếp cận vốn tín dụng phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là nhu cầu vốn ngắn hạn và trung hạn.
Điều này chắc chắn sẽ giúp các HTX, Liên hiệp HTX sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn rất nhiều và có cơ hội đến gần hơn với nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Quỹ.
Hồng Nhung