Khi mới bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Bình Dương gặp không ít khó khăn vì xuất phát điểm thấp. Tuy nhiên, đến nay, xã đã có diện mạo mới, đời sống người dân không ngừng được nâng lên.
Đậm đà hương vị nước mắm Cửa Khe
Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 11,65% năm 2015 xuống còn 3,5% vào năm 2019. Kết cấu hạ tầng nông thôn cũng được đầu tư xây dựng khang trang: trường học, trạm y tế, trụ sở cơ quan xã đã tầng hóa; các tuyến đường liên xã, liên thôn, liên tổ được nhựa hóa, bê tông hóa... tạo thuận lợi trong sinh hoạt và sản xuất.
Là xã bãi ngang ven biển nên khai thác, chế biến thủy hải sản là một trong những ngành nghề chủ lực để phát triển kinh tế tại Bình Dương. Hiện nay, sản lượng khai thác thủy hải sản hằng năm của xã đạt gần 3.000 tấn; toàn xã có 21 đơn vị tàu thuyền, đã thành lập 1 nghiệp đoàn nghề cá, 7 tổ đoàn kết khai thác đánh bắt, 1 HTX chuyên sản xuất nước mắm.
Trung bình mỗi năm, làng nghề nước mắm Cửa Khe bán ra thị trường khoảng 120.000-150.000 lít, với giá bán từ 45.000-80.000/lít tùy loại. Tiêu biểu phải kể đến mô hình sản xuất của HTX nước mắm Cửa Khe Hai Hiền.
Nước mắm Cửa Khe Hai Hiền là sản phẩm sạch bởi những người sản xuất luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, không sử dụng bất cứ một hoá chất nào để tạo hương, tạo mùi hay màu, tất cả đều có được từ cá và muối.
Quá trình sản xuất nước mắm được bắt đầu ngay từ trên tàu. Sau khi vớt từ dưới biển lên, cá được rửa sạch bằng nước biển, loại bỏ tạp chất rồi trộn với muối theo tỷ lệ thích hợp. Cá được bảo quản trong hầm tàu, được phủ bằng một lớp muối dày khoảng 5cm. Khi về đến bãi biển Cửa Khe, cá được bốc dỡ cho vào thùng ủ tiếp. Khoảng 9 - 18 tháng, HTX bắt đầu rút nước mắm.
Theo Giám đốc HTX Nguyễn Thị Hai Hiền, nước mắm Cửa Khe chỉ được chế biến từ cá cơm, không lẫn với bất kỳ hải sản nào. Vì được muối ngay từ lúc cá còn tươi sống nên giá trị dinh dưỡng trong nước mắm cao, hương vị thơm ngon hơn.
![]() |
Nước mắm Cửa Khe Hai Hiền là sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam. |
Với công thức sản xuất thủ công dân dã nhưng chú trọng các yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm, nước mắm Cửa Khe Hai Hiền là một trong những sản phẩm được chọn tham gia chương trình OCOP (Mỗi xã, phường một sản phẩm) của tỉnh Quảng Nam và đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Nhờ đó, thị trường đầu ra cho nước mắm ngày càng rộng mở. Hiện, ngoài cung cấp cho người dân trong vùng, nước mắm Cửa Khe Hai Hiền cũng đang có nhiều đối tác trên các trang mạng điện tử, giúp các sản phẩm tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng hơn. Cùng với đó, HTX tiếp tục phát triển thị trường, tăng cường quảng bá sản phẩm, tìm kiếm sự hợp tác, liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp để tiêu thụ ổn định và phát triển hiệu quả thương hiệu sản phẩm nước mắm Cửa Khe.
Trung bình mỗi năm, HTX sản xuất 1.700 lít nước mắm. Hoạt động chế biến, kinh doanh nước mắm đã tạo việc làm và thu nhập cho hàng chục lao động, góp phần tiêu thụ hải sản do bà con trong xã khai thác.
Chạy "nước rút" về đích đúng hẹn
Không chỉ phát triển nghề sản xuất nước mắm truyền thống, xã Bình Dương còn đang đẩy mạnh phát triển du lịch. Với điều kiện và vị trí thuận lợi, xã có bãi biển mang vẻ đẹp nguyên sơ, thơ mộng; lại nằm trên trục đường biển nối từ bãi biển Tam Thanh (Tam Kỳ) ra phố cổ Hội An đến Đà Nẵng, nên Bình Dương luôn nằm trong "tầm ngắm" của các nhà đầu tư.
Đến nay, xã thu hút được doanh nghiệp đầu tư khu du lịch bãi tắm, resort biển với quy mô diện tích 10ha. Đây là điều kiện quan trọng giúp Bình Dương phát triển các loại hình dịch vụ đi kèm, người dân có cơ hội vươn lên thoát nghèo.
![]() |
Đời sống người dân xã Bình Dương không ngừng được nâng lên nhờ tập trung xây dựng nông thôn mới. |
Bình Dương hôm nay đang nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu xây dựng thành công xã nông thôn mới vào cuối năm 2020, nhằm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Hy vọng, với thế mạnh trong phát triển kinh tế, du lịch biển, Bình Dương sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách, tạo nên những cú hích thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện Thăng Bình.
Để hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới, Bình Dương tập trung phát triển thế mạnh làng nghề sản xuất nước mắm thông qua việc tạo điều kiện cho người dân thành lập và vào các HTX. Theo đại diện UBND xã, điều này sẽ là nền tảng vững chắc giúp xã thực hiện tốt chương trình OCOP, thu hút doanh nghiệp phát triển dịch vụ có tiềm năng và lợi thế, có giá trị gia tăng cao như du lịch, khách sạn...
Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đến nay, Bình Dương đã đạt 17/19 tiêu chí nông thôn mới. Xã đang dồn lực vào các tiêu chí giao thông, hệ thống chính trị. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/người/năm, 95% người dân hài lòng với kết quả của quá trình xây dựng nông thôn mới.
Như Yến