Tiềm năng phát triển cây thuốc nam của tỉnh Yên Bái rất lớn với nhiều cánh rừng già, rừng tự nhiên lâu năm có mức độ đa dạng sinh học cao. Nơi đây có nhiều cây dược liệu quý như: giảo cổ lam, sa nhân tím, tam thất, hà thủ ô, khôi nhung, cà gai leo... với diện tích khoảng gần 9.290 ha, sản lượng hàng năm ước đạt gần 8.000 tấn.
Mở rộng diện tích
Năm 2018, gia đình bà Phan Thị Oanh, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình được hỗ trợ liên kết thực hiện mô hình trồng thử nghiệm cây cà gai leo với HTX Sản xuất dược liệu Yên Bái Thanh Sơn (xã Đông An, huyện Văn Yên). Sau hơn 4 tháng, trên diện tích 520m2, gia đình bà Oanh thu được gần 11 triệu đồng.
![]() |
Yên Bái có nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu (Ảnh: Tư liệu) |
Bà cho biết: "Gia đình tôi được HTX sản xuất dược liệu Yên Bái Thanh Sơn cung cấp giống, giám sát kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Thí điểm trồng cà gai leo qua một vụ thu hái, tôi thấy cây trồng này có giá trị hơn trồng các loại cây khác mà lại dễ chăm sóc".
Cây cà gai leo trồng năm đầu, chăm sóc và thu hoạch được 1 năm rưỡi mới phải trồng lại. Một ha cà gai leo được thu hoạch 3 vụ, mỗi vụ thu hoạch 3,5 tấn cây khô/ha, với giá bán hiện tại là 30.000 đồng/kg, trung bình người dân thu được hơn 150 triệu đồng/năm. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, năm 2019, gia đình bà Oanh tiếp tục mở rộng diện tích lên gần 1.000m2; xã Bảo Ái cũng có 17 hộ đăng ký trồng cây cà gai leo với tổng diện tích 1 ha.
Theo ông Phạm Văn Chiến - Giám đốc HTX Sản xuất dược liệu Yên Bái Thanh Sơn: "Nhận thấy thổ nhưỡng của tỉnh hợp với cây cà gai leo, được sự hỗ trợ của YENBAI CDSH, chúng tôi đã liên kết với Công ty Dược Tuệ Linh tại Hà Nội để đưa giống cây này về trồng tại các xã Bảo Ái, huyện Yên Bình và Mậu Đông, huyện Văn Yên cho hiệu quả tốt. Hiện nay, HTX đang mở rộng diện tích trồng trên 12ha tại 4 xã: Đông Cuông, Mậu Đông huyện Văn Yên và xã Cảm Ân, Bảo Ái huyện Yên Bình với trên 300 hộ đăng ký tham gia”.
Bảo tồn và phát huy lợi thế
Ngoài cây cà gai leo, Yên Bái còn chú trọng phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm các loại cây dược liệu khác như: khôi nhung, hà thủ ô, giảo cổ lam... Những loại dược liệu chăm sóc sức khỏe này đã và đang được người dân, HTX và doanh nghiệp sản xuất thuốc quan tâm.
![]() |
Chuyên gia YENBAI CDSH hướng dẫn người dân xã Bảo Ái, huyện Yên Bình trồng cây cà gai leo (Ảnh: TL) |
Tuy nhiên, bên cạnh một số địa phương đã và đang phát huy được tiềm năng, lợi thế của cây dược liệu vào phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân thì tình trạng khai thác quá mức khiến nhiều loài dược liệu quý đã bị cạn kiệt, thậm chí nhiều loài đã nằm trong Sách Đỏ.
Nhằm bảo tồn, phát huy lợi thế vùng trồng cây thuốc nam tại Yên Bái, các chuyên gia cho rằng cần thực hiện mô hình trồng cây gỗ lớn xen canh dược liệu, đưa chỉ tiêu phát triển cây dược liệu vào kịch bản tăng trưởng hàng năm của ngành nông nghiệp, xây dựng các chuỗi liên kết trong trồng, tiêu thụ cây dược liệu; đồng thời tiếp tục duy trì, phát triển hiệu quả các mô hình trồng cây dược liệu đang có; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm dược liệu…
Tiến sĩ Đào Thị Ngọc Lan - Giám đốc YENBAI CDSH, Trưởng ban Quản lý Dự án "Nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc nam” cho biết: "Việc phát triển cây dược liệu theo mô hình liên kết cho thấy hiệu quả rõ nhất là tăng giá trị thu nhập trên cùng một đơn vị canh tác. Trung tâm sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, đặc biệt là thông tin về bài thuốc trên các website tin cậy nhằm nâng cao giá trị bài thuốc; liên kết, phát triển HTX tạo đầu ra cho sản phẩm dược liệu của tỉnh với quan điểm là phát triển vững chắc”.
Tiến Minh