![]() |
Phó Chủ tịch VCA Nguyễn Mạnh Cường phát biểu khai mạc Tọa đàm |
Phó Chủ tịch VCA Nguyễn Mạnh Cường chủ trì Tọa đàm. Cùng tham dự Tọa đàm có lãnh đạo Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương; lãnh đạo một số đơn vị thuộc VCA; lãnh đạo Liên minh HTX 10 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang; Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Tuyên Quang, Sơn La và lãnh đạo 40 Quỹ tín dụng nhân dân.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Chủ tịch VCA Nguyễn Mạnh Cường cho biết, việc lấy ý kiến của các tổ chức tín dụng, Liên minh HTX các tỉnh, thành phố là cơ sở để VCA tham gia ý kiến có hiệu quả với Ngân hàng Nhà nước về những vấn đề liên quan đến hoạt động Quỹ tín dụng nhân dân.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân thời gian qua đang thuận lợi, qua đó tạo điều kiện hỗ trợ cho các thành viên và người dân tham gia vay vốn thành lập, xây dựng HTX, kinh tế tập thể, xây dựng kinh tế hộ gia đình được phát triển bền vững, góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, cơ sở.
![]() |
Ông Phạm Văn Sê, Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương |
Ông Phạm Văn Sê, Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương cho rằng, địa bàn hoạt động và việc phát triển HTX hiện nay còn rất khó khăn. “Việc này đã dẫn đến thực trạng tín dụng đen hoành hành ở nhiều vùng, miền trong cả nước trong những năm qua. Trước những bức xúc này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương phải kiên quyết ngăn chặn, xử lý tín dụng đen. Có ngăn chặn được tín dụng đen hoành hành ở địa phương thì người dân mới tiếp cận được vốn tín dụng”, ông Sê nói.
![]() |
Ông Đặng Đình Nghĩa, Chủ tịch Quỹ tín dụng nhân dân Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La |
Các đại biểu cũng cho rằng, quy định về Ban quản trị, Ban giám đốc thời gian làm việc không quá 2 nhiệm kỳ, 10 năm thì không thể có nhân sự thay thế làm được việc. Ông Đặng Đình Nghĩa, Chủ tịch Quỹ tín dụng nhân dân Hát Lót (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) nêu kiến nghị: “Chọn được người làm tín dụng là rất khó, bởi phải xem xét đến đạo đức, trình độ chuyên môn và người có tâm huyết không hề đơn giản. Nếu làm 10 năm mà thay đổi toàn bộ Ban quản trị thì lấy ai để làm, cán bộ khi vào làm việc cũng không yên tâm bởi họ đang còn trẻ, có trình độ, năng lực, có kinh nghiệm phục vụ, làm việc mà lại phải nghỉ giữa chừng. Do vậy nên bỏ quy định về nhiệm kỳ của HĐQT, Ban giám đốc”.
![]() |
Bà Mai Thị Minh Hương, Quỹ tín dụng nhân dân Quang Trung, quận Hà Đông, TP Hà Nội |
Về nội dung quy định trong Thông tư cho vay từ 500 triệu thì Quỹ tín dụng phải phối hợp với Ngân hàng HTX, bà Mai Thị Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng nhân dân Quang Trung (quận Hà Đông, TP Hà Nội) cho rằng, hai bên phải phối hợp là hết sức khó khăn, bởi khi hai bên thống nhất được việc giải quyết nhu cầu vốn cho các HTX thì cơ hội đã trôi qua, thậm chí là mất cơ hội của các HTX. “Đây là điều vô lý, bởi Quỹ tín dụng có quyền tự chủ, tự quyết, tự chịu trách nhiệm, nhưng lại giao cho Ngân hàng HTX quản lý là điều khó hiểu. Trong khi đó, Ngân hàng HTX không có đầy đủ các chi nhánh trên toàn quốc, tại các địa phương. Vậy khi cần thì chúng tôi biết gọi ai để cùng ngồi với nhau, cùng đi thẩm định và cùng thống nhất việc cho vay hay không? Như thế có làm khó khách hàng? Do vậy nên bỏ quy định này tại mục 5, điều 37”, bà Hương nêu kiến nghị.
![]() |
Ông Nguyễn Thanh Nghị, Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng nhân dân Thọ Nghiệp, Xuân Trường, Nam Định |
Việc giới hạn 500 tỷ đồng về tổng tài sản của Quỹ tín dụng, ông Nguyễn Thanh Nghị, Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng nhân dân Thọ Nghiệp, Xuân Trường, Nam Định cho rằng, đã giao quyền tự chủ, tự quyết, tự chịu trách nhiệm và đã cho phép thành lập quỹ thì Nhà nước và các cơ quan chức năng phải tin tưởng, chứ không phải thành lập rồi siết chặt quản lý gây khó khăn cho các quỹ hoạt động. “Nếu không tin tưởng vào hoạt động huy động vốn, quản lý vốn vay và cho vay vốn của các quỹ tín dụng thì tốt nhất là không nên thành lập và không cho Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động nữa. Quỹ là để cho người ta vay vốn và nhận tiền gửi của thành viên. Nếu người ta gửi mà quỹ đủ 500 tỷ nên không nhận tiền gửi thì thành lập quỹ để làm gì? Do vậy phải bổ sung việc không hạn chế mức huy động tiền gửi và tổng tài sản của Quỹ tín dụng”, ông Nghị đặt vấn đề.
![]() |
Bà Lưu Thị Chỉ, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Bình |
Bà Lưu Thị Chỉ, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Bình nêu ý kiến: Quỹ tín dụng không nên hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, mà phải hoạt động theo Luật HTX và Luật các tổ chức tín dụng. “Doanh nghiệp lấy lợi ích làm đầu, còn Quỹ tín dụng lấy quyền lợi của người dân, của thành viên lên đầu. Mục đích cuối cùng là phục vụ cho nhân dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân”, bà Chỉ nói.
Ngoài ra, nhiều đại biểu kiến nghị đến các nội dung như: xem xét giảm thuế, phí, thu nhập của doanh nghiệp xuống dưới 15% để các quỹ yên tâm hoạt động và hoạt động hiệu quả. Tổng mức tiền gửi từ mức không quá 25 lần lên mức không quá 35 lần hoặc bỏ quy định này.
Ông Lê Văn Thư, Chủ tịch Liên minh HTX TP Hà Nội mong muốn những kiến nghị của các Quỹ, các Liên minh HTX địa phương được sớm chuyển đến Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng HTX, Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ để sớm có điều chỉnh phù hợp.
Phó Chủ tịch VCA Nguyễn Mạnh Cường ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của các Quỹ tín dụng, lãnh đạo Liên minh và khẳng định Liên minh là tổ chức đại diện, hỗ trợ, đồng hành về các chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ cho quỹ phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống của người dân. Những ý kiến đóng góp, kiến nghị của các đại biểu sẽ được tổng hợp, chuyển đến các cơ quan chức năng như Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng HTX, Bộ Tài chính, các Phó Thủ tướng và Thủ tướng để sớm điều chỉnh phù hợp.
Phạm Duy