Đà Bắc là huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Hoà Bình với 20 đơn vị hành chính (19 xã, 01 thị trấn). Trước đây, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, lạc hậu, giá trị hàng hoá chưa cao, chưa hình thành được vùng sản xuất.
Đồng hành cùng người dân giảm nghèo
Nhưng kể từ khi triển khai chương trình mục tiêu quốc Gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020, huyện tập trung đầu tư phát triển kinh tế xã hội với định hướng thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Huyện đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là đối với các xã, xóm đặc biệt khó khăn nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các vùng. Đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, gắn giảm nghèo bền vững với Chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo được tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản.
Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện, trong hai năm 2018-2019, toàn huyện có 6.989 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn với kinh phí 205.708 triệu đồng để phát triển kinh tế. Huyện tổ chức trên 110 lớp chuyển giao công nghệ, dạy nghề cho người dân, cấp thẻ BHYT cho 100% người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Tính đến cuối năm 2019, 20/20 xã đã có đường ô tô đến trung tâm, 98% đường huyện quản lý, 97% đường liên xã, 70% đường trục liên thôn, 72% đường xóm, ngõ đã được rải nhựa hoặc cứng hóa bê tông. Về cơ bản, hạ tầng giao thông đã được cải thiện đáng kể, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thu nhập bình quân đầu người đạt 27,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 33%.
![]() |
Du lịch đang giúp nâng cao thu nhập và giảm nghèo cho người dân Đà Bắc |
Tiêu biểu như mô hình du lịch cộng đồng ở các xã Tiền Phong, Cao Sơn... được hình thành và phát triển đã giúp nâng cao đời sống của người dân. Hiện, huyện Đà Bắc đang đẩy mạnh hỗ trợ người dân phát triền ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến các mặt hàng nông sản thực phẩm tại địa phương. Đây sẽ là những hướng đi hiệu quả góp phần tạo việc làm cho người dân đồng thời tạo ra các mặt hàng nông nghiệp chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, tạo điều kiện kết nối với các doanh nghiệp phát triển du lịch theo chiều sâu.
Điểm nhấn chuỗi giá trị
Xã Vầy Nưa có 5/10 xóm tiếp giáp với vùng hồ thủy điện Hòa Bình. Đó là tiềm năng, lợi thế sẵn có để người dân lựa chọn nghề nuôi cá lồng là mô hình giảm nghèo bền vững.
Tận dụng tiềm năng này, HTX Nông sản sạch Vầy Nưa đã hỗ trợ người dân chuyển đổi từ nuôi lợn, gà sang nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa.
Sản phẩm chủ lực của HTX chủ yếu là cá rô phi, cá lăng, cá ngạnh, cá trắm cỏ, cá diêu hồng trên diện tích 1000m2 mặt nước. Hiện, HTX đã ký kết hợp đồng trở thành vùng nguyên liệu thủy sản sạch phục vụ xuất khẩu theo tiêu chuẩn ASC cho doanh nghiệp.
Tham gia chuỗi liên kết, các thành viên HTX được bảo đảm chặt chẽ từ khâu giống, chế phẩm sinh học, thức ăn, cho đến đầu ra. Ngoài ra, các thành viên còn được doanh nghiệp hỗ trợ vốn để tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật, cải tạo lồng nuôi theo tiêu chuẩn. Trung bình, một lồng cá giúp thành viên có nguồn thu 30-45 triệu đồng/năm.
Thực hiện Quyết định số 10/2015/QĐ-UBND về việc hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình, giai đoạn 2015 – 2020, HTX Vầy Nưa đã kết hợp cùng với các cấp ngành đẩy mạnh hỗ trợ người dân phát triển theo hướng hàng hóa. Đến nay, xã đã có 389 lồng cá các loại.
![]() |
Phát triển nuôi cá lồng là hướng giảm nghèo hiệu quả ở Vầy Nưa |
Nhờ phát triển hiệu quả nghề nuôi cá lồng, thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2019 là 20 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 38,08%. Trong thời gian tới, xã tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho HTX Vầy Nưa phát triển từ đó làm động lực lan tỏa mô hình nuôi cá lồng để cải thiện chất lượng cuộc sống nhân dân trong xã.
Không chỉ mô hình nuôi cá lồng ở Vầy Nưa, hiện nay, trên địa bàn huyện Đà Bắc còn xây dựng thành công các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần cùng các địa phương thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo.
Điển hình như mô hình trồng cây dược liệu sacha inchi (Tu Lý), mô hình sản xuất lúa đặc sản J02 (Mường Chiềng), mô hình trồng chuối liên kết sản xuất cá sạch (Hiền Lương), mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ rau an toàn theo chuỗi giá trị (Tu Lý)…
Bằng các nguồn vốn lồng ghép của các chương trình, dự án, huyện đã chỉ đạo các địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi. Từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thông qua các HTX. Qua đây tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, góp phần ổn định cuộc sống, tăng thu nhập cho người dân.
Đà Bắc hy vọng, việc phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sẽ giúp huyện hoàn thành mục tiêu đưa thu nhập của người dân đến cuối năm 2020 đạt 29 triệu đồng/người/năm.
Huyền Trang