Không biết tự bao giờ, khắp chốn Kinh kỳ Thăng Long - Hà Nội xưa, nói tới nhà tre, đồ nội thất bằng tre, người dân kẻ chợ vẫn thường nhắc “Nhà gỗ Khơ Mơ, nhà tre Thu Hồng”. Trong đó, Thu Hồng là địa danh làng nghề tre trúc truyền thống nổi tiếng, tên tự là thôn Thu Thủy, thuộc xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Làng nghề lâu năm
Thu Hồng nằm ven sông Cà Lồ chảy ra sông Cầu tại ngã ba Xà, có Quốc lộ 16 chạy qua. Thuở xưa, dân làng sống bám theo sông Cà Lồ, đóng bè kéo vó kiếm kế sinh nhai.
Tương truyền xưa kia làng ở ven đê, quanh năm chiêm khê mùa thối, chẳng có gì để xây dựng đình thờ thành hoàng làng. Xung quanh làng lúc đó chỉ toàn tre và trúc nên dân làng đã quyết định làm đình thờ thành hoàng bằng thứ nguyên liệu sẵn có này.
Dần dần, người dân làm mọi vật dụng trong nhà bằng tre trúc từ cái rổ, rá, thúng… đến cái bàn, ghế, trường kỷ, giường tre, chõng tre. Ban đầu, các sản phẩm này chỉ mang tính phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình chứ chưa được coi là một thứ hàng hóa.
Tuy nhiên, dưới bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của người dân Thu Hồng, những sản phẩm làm từ tre trúc ấy được dân khắp nơi ưa chuộng, trở thành hàng hóa lúc nào không hay.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế, các sản phẩm làm từ nguyên liệu khác dần dần lên ngôi như gỗ, nhựa, sắt… thì cây tre, cây trúc cũng từng bước rơi vào quên lãng. Nghề làm tre trúc của thôn Thu Hồng cũng theo đó dần bị mai một.
Lớp thanh niên của làng nghề bỏ đi làm việc khác. Những người thợ ở lại đều là những người dân nghèo và cực nghèo nên không có vốn để làm nghề.
Những tưởng làng nghề nổi danh một thời ấy sẽ dần đi vào quên lãng, và sản phẩm tre trúc Thu Hồng sẽ chỉ còn lại trong tiềm thức xa xăm. Thế nhưng khi Chính phủ có chính sách ưu tiên phát triển làng nghề, nghề truyền thống này lại một lần nữa đứng lên.
Năm 2016, HTX Sản xuất đồ gỗ, tre trúc mỹ nghệ Thu Hồng được thành lập, như một khẳng định về sự tái sinh của nghề làm tre trúc tại mảnh đất này.
Ẩn mình sau lũy tre làng, HTX Thu Hồng tiền thân là cơ sở sản xuất tre trúc Thu Hồng đã có cách đây hơn 20 năm.
HTX đã kết tinh những kinh nghiệm của những người đi trước để lại, tạo ra những sản phẩm phục vụ cuộc sống hằng ngày. Đồng thời, họ còn làm những sản phẩm với quy mô lớn hơn như nhà ở, các công trình kiến trúc.
![]() |
Một công trình nhà tre trên hồ do HTX thi công |
Vươn ra thị trường
Những người thợ của HTX có những “ngón nghề” mà không ai có thể bắt chước. Họ đục tre bằng tay vừa bén, vừa chắc, không thể vỡ. Một cây tre rất cong, người thợ có thể “lấy mực” mà không cần phải dây.
Kỹ thuật đục, các lỗ đục khi cắm các thanh xà vào nhau cũng rất im, bén chắc mà không vỡ mối đục. Đó là kinh nghiệm của nhiều đời làm nghề truyền lại, là tinh hoa của bao năm gắn bó với nghề.
Trải qua bao thăng trầm khó khăn, các sản phẩm của HTX đã hòa nhập vào cuộc sống nhộn nhịp nơi phố phường hay yên bình nơi thôn dã.
HTX có 15 thợ lành nghề, trong đó có 4 nghệ nhân. Hai nghệ nhân trong số đó là ông Nguyễn Văn Thiệu và ông Nguyễn Quang Trường từng được HTX cử đi học các khóa đào tạo để kết hợp giữa phong cách hiện đại và phong cách truyền thống để sản xuất ra các sản phẩm phù hợp với xu thế hiện nay.
Đến nay, những đồ gia dụng đẹp mắt được hoàn thành bởi sự khéo léo của những người thợ nơi đây không chỉ có mặt tại nhiều tỉnh thành trong cả nước mà còn được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, như Mỹ, Đức, Áo, Nga…
Người ta chuộng cái đẹp mộc mạc, chuộng sự tinh tế trong từng nhát đục, lưỡi cưa của sản phẩm tre trúc nơi đây mà tìm về tận nơi để đặt hàng.
Ngoài ra, HTX cũng nổi tiếng với những công trình lớn như Khu sinh thái Cánh buồm xanh ở Bắc Ninh, Nhà vườn ở Tam Đảo… Từng có thời, mỗi người dân tại HTX rất tự hào rằng khắp cả Bắc bộ này chỉ có làng quê Thu Hồng mới có kỹ thuật đóng nhà chắc chắn nhất.
Sản phẩm tre trúc làm ra bền đẹp vô cùng và những nguyên liệu dư thừa còn có thể dùng để đun nấu chứ không gây hại đến môi trường.
Hồng Nhung