Ngày 24/4, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình Khuyến công quốc gia giai đoạn 2014 - 2018.
Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình Khuyến công quốc gia 2014 - 2018, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung cho biết đến nay, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công giai đoạn 2014 - 2018 của cả nước đã được phê duyệt là trên 1.186 tỷ đồng.
Liệu cơm gắp mắm
Chương trình đã tổ chức đào tạo nghề, tuyên truyền, nâng cao tay nghề cho hơn 18.000 lao động nông thôn. Hầu hết lao động đều có việc làm ổn định sau đào tạo (tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trung bình đạt trên 90%).
Trong giai đoạn này, Chương trình đã tổ chức thành công 15 hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn... Bên cạnh đó, đã hỗ trợ 48 cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng, đăng ký thương hiệu sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường.
Ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ, đánh giá sau 4 năm, nguồn kinh phí từ Chương trình giúp địa phương có thể hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất công nghiệp đào tạo nghề, nâng cao năng lực, công nghệ, kỹ thuật, phát triển sản xuất..., tuy nhiên, mức hỗ trợ cho địa phương còn nhỏ lẻ, giá trị không cao nên chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia.
Địa phương chỉ có ngân sách vỏn vẹn 3,2 tỷ đồng để hỗ trợ cho DN vùng sâu, vùng xa, vùng thôn thôn. Hỗ trợ mang tính nhỏ lẻ theo kiểu “liệu cơm gắp mắm”. Vốn hỗ trợ ít mà thủ tục kéo dài nên khó có hiệu quả.
Ông Lê Trọng Hân - Phó Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa, đề nghị mở rộng đối tượng tham gia, như DN khai thác chế biến sâu, xuất khẩu thì ưu tiên mức hỗ trợ cao hơn để khuyến khích đầu tư trang thiết bị cao cấp hơn.
Ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cho biết hiện Việt Nam có khoảng 50.000 làng nghề, giúp phát triển bộ mặt nông thôn, sản phẩm mang ý nghĩa lịch sử, vùng miền, giải quyết việc làm thiết thực ở lao động, ổn định xã hội. Hoạt động khuyến công đã góp phần thúc đẩy phát triển làng nghề nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc.
![]() |
Gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc... đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc |
Làng nghề truyền thống khó cạnh tranh
Ông Dần cho rằng cần có sự liên kết của các bộ ngành trong việc thực hiện chương trình khuyến công, vì nếu chỉ Bộ Công Thương làm về khuyến công, mà các bộ ngành khác ngoài cuộc, thì khó khăn còn lớn cho địa phương, đặc biệt là cho người sản xuất.
Đặc biệt, vùng nguyên liệu cũng là vấn đề, vì nhiều sản phẩm Trung Quốc đang tràn ngập, dẫn tới nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, thổ cẩm Mai Châu cũng không còn nhiều vốn liếng, tức là không có ưu thế về nguyên liệu, sản xuất nên bị hàng ngoại nhập cạnh tranh gay gắt.
Ông Cao Đức Phát - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đánh giá chương trình khuyến công có ý nghĩa quan trọng bởi liên quan đến bộ phận lớn của nền kinh tế. 10 năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn tăng 12,7%/ năm, cao hơn tăng trưởng chung của ngành công nghiệp. Cả nước có 86% số xã có cơ sở chế biến nông lâm thuỷ sản.
Công tác khuyến công là giải pháp cần thiết và quan trọng để phát triển ngành nghề và kinh tế khu vực nông thôn. Thời gian tới, cần phải đẩy mạnh công tác khuyến công, phát triển công tác ngành nghề dịch vụ quy mô vừa và nhỏ ở khu vực nông thôn.
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng mục tiêu đặt ra cho Chương trình Khuyến công trong giai đoạn 2021 - 2030 là cần tiếp tục hỗ trợ một số nội dung hoạt động hiệu quả như xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn kỹ thuật chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến trên cơ sở ứng dụng KHCN, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Thy Lê