Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chiều ngày 21/6, những khó khăn về đất đai, vốn, nhân lực, thị trường… là những kiến nghị mà đại diện Liên minh HTX các tỉnh thành trong cả nước gửi tới Thủ tướng.
"Nút thắt" nào đang cản trở
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Bí thư tỉnh uỷ Bắc Kạn, cho biết nếu như năm 2016, tỉnh chỉ có 80 HTX, đến thời điểm này, con số này tăng lên 130 HTX, trong đó hoạt động hiệu quả chiếm trên 50%.
"Một địa phương khó khăn như chúng tôi mà mô hình HTX ngày càng phát triển, đó là nhờ Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ rất nhiều", ông Hiệp chia sẻ.
Tại Bắc Kạn, thành viên, hộ gia đình vào HTX có thu nhập cao hơn. Cụ thể, thu nhập trung bình của người dân tỉnh Bắc Kạn là 29 triệu đồng/năm, trong khi thành viên tham gia HTX có thu nhập 39 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên để mô hình HTX phát triển, đại diện tỉnh Bắc Kạn nêu lên một số khó khăn, trong đó nhấn mạnh vướng mắc về nguồn nhân lực. Sau khi thống kê tại 70 HTX, Bắc Kạn nhận thấy có tới 77% lãnh đạo chưa được đào tạo nghiệp vụ chuyên môn, thậm chí nhiều lãnh đạo có trình độ văn hóa dưới lớp 10.
"Bên cạnh đó, nhiều người vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của HTX, vẫn chỉ hiểu HTX phải tạo ra doanh thu, lợi nhuận bao nhiêu trong một năm mà quên mất HTX ra đời với mục đích là làm sao nâng cao thu nhập cho các thành viên", ông Hiệp tâm sự.
Qua quá trình làm việc với nhiều HTX trong tỉnh, ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết vốn, đất đai và thị trường tiêu thụ đang là ba "nút thắt" cản trở HTX phát triển. Chúng ta có cơ chế chính sách nhưng khó áp dụng.
Chẳng hạn về vốn, DN muốn tiếp cận vốn, trong ba năm phải có ít nhất một năm doanh thu đạt một tỷ đồng. Đa phần các HTX không thể đáp ứng được yêu cầu này.
Đồng thời, muốn vay vốn, HTX phải có tài sản thế chấp với nhiều yêu cầu như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận của địa phương là đất không có tranh chấp…
Hay về đất đai, HTX muốn xây dựng trụ sở, nhà sơ chế, điểm bán hàng nhưng quy định yêu cầu phải chuyển từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, khiến các HTX rất khó khăn.
Ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết văn bản Trung ương ban hành nhiều nhưng không kèm theo nguồn lực hoặc nguồn lực giao về địa phương ít trong khi đó, Sóc Trăng là tỉnh trên 70% ngân sách Trung ương hỗ trợ nên các chính sách phát triển HTX gặp nhiều trở ngại.
Hơn nữa, thành viên ban chỉ đạo đều kiêm nhiệm, trình độ năng lực của cán bộ quản lý HTX (hội đồng quản trị) bị hạn chế (đây cũng là khó khăn lớn nhất của HTX). Thành viên HTX chưa thể hiện hết tinh thần trách nhiệm trong xây dựng HTX, khoảng 90% HTX không báo cáo tình hình hoạt động.
Ngoài ra hiện nay, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh được uỷ thác qua Ngân hàng chính sách xã hội, cơ chế cho vay theo quy định của ngân hàng nên hầu hết các HTX không thể tiếp cận nguồn vốn này.
Do đó, Sóc Trăng đề nghị có cơ chế riêng đối với việc cho vay đối với hoạt động kinh tế tập thể nhằm giúp các HTX, tổ hợp tác tiếp cận nguồn vốn được thuận lợi, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trước những thách thức về nhân lực, ông Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị: chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đã có nên cần nỗ lực thực hiện, cần có các chương trình đào tạo giám đốc trẻ về HTX. Về vốn, hiện nay chính sách cho HTX nhiều nhưng nằm rải rác ở các chương trình mục tiêu quốc gia, cần phải tập trung các nguồn này để HTX tiếp cận được nguồn vốn tốt hơn.
Ông Dương Văn Thái đề xuất với Thủ tướng và các Bộ ngành nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật HTX 2012, như quy định tỷ lệ góp vốn của các thành viên tham gia HTX không quá 20%; sớm sửa đổi Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn về mức vay, điều kiện vay; ban hành các cơ chế khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo tại buổi làm việc |
Vẫn khó đầu ra
Bên cạnh đó, bà Lưu Thị Chỉ, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Bình, cho biết theo bản chất và nguyên tắc tổ chức HTX là "đối nhân mà không đối vốn" quyền quyết định của các thành viên ngang nhau về các vấn đề tổ chức HTX như bộ máy, điều kiện, phương án sản xuất – kinh doanh… nên phần nào trong ý thức thành viên chưa giác ngộ, thiếu trách nhiệm trong xây dựng và gắn bó với HTX nên HTX hoạt động còn nhiều khó khăn, vướng mắc do cơ chế.
Năng lực quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác chưa đủ mạnh và hiệu quả thấp. Bộ máy tham mưu quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương chưa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về kinh tế tập thể.
Việc ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện tổ chức lại HTX theo Luật HTX năm 2012 cũng rất khác nhau. Sau khi Luật HTX 2012 có hiệu lực đến nay, các văn bản dưới Luật ban hành chậm, thiếu đồng bộ; một số nội dung chưa được hướng dẫn.
Phần lớn các HTX nông nghiệp tham gia cung cấp các dịch vụ đầu vào cơ bản cho hoạt động sản xuất nông nghiệp như cung cấp cây, con giống mà chưa nhiều nơi triển khai được dịch vụ hỗ trợ đầu tư cho quá trình sản xuất như thu gom, bán sản phẩm. Việc điều tra nắm bắt bắt thông tin thị trường của hầu hết các HTX đều hạn chế.
Hầu hết các hộ dân phải chủ động tiêu thụ sản phẩm mình làm ra mà không có được sự hỗ trợ từ phía HTX; các siêu thị lớn trên địa bàn có ký hợp đồng mua sản phẩm cho bà con nhưng sau khi ký kết, có lúc thành viên HTX phá vỡ hợp đồng, có lúc DN phá vỡ hợp đồng.
Ngoài ra, HTX, tổ hợp tác còn nhiều hạn chế về quy mô sản xuất kinh doanh, trình độ quản trị, trình độ khoa học công nghệ, vốn và thị trường nên rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để bảo đảm phát triển bền vững.
Thấu hiểu với vấn đề này, ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho rằng chúng ta hay nói với nhau làm sao để có chuỗi giá trị tốt nhưng để làm được, cần sợi dây xuyên suốt là nền tảng khoa học kỹ thuật và công nghệ quản trị. Từ nền tảng đó, các thành viên chia sẻ với nhau mới tạo ra chuỗi liên kết, nếu không có, chắc chắn không phải chuỗi liên kết bền vững.
Đối với chuỗi giá trị, theo ông Nhân, bất cứ thành viên nào trong chuỗi cũng muốn lợi ích tốt nhất thì lợi ích chung của chuỗi giá trị thấp. Do vậy, để hoạt động hiệu quả, chuỗi giá trị cần người điều phối chung – đó là đại diện của Nhà nước. Nếu không có người điều phối sẽ dẫn đến đổ vỡ.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp kiến nghị Nhà nước chỉ cần hỗ trợ đầu ra cho các HTX. Ví dụ thay vì hỗ trợ đầu vào là giống, phân bón… nên điều phối với các đầu mối, đơn vị thu mua để hỗ trợ đầu ra cho các HTX như yêu cầu nông dân trồng với diện tích nhiều hay ít, giá một kg sẽ trả bao nhiêu tiền.
Ông Võ Kim Cự, nguyên Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho rằng để chấn hưng khu vực KTHT, HTX, cần có cơ chế chính sách đặc thù riêng cho HTX; Nên có hệ thống chính sách mạnh mẽ hơn đối với các HTX nông nghiệp kiểu mới, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quy mô lớn.
Theo ông Cự, muốn chuỗi hiệu quả nhất thiết phải có đầu kéo mà đầu kéo đó phải có DN đi trước, đi theo là liên hiệp HTX. DN lớn đi đầu, liên hiệp HTX, tiếp theo đó là HTX, DN không thể trực tiếp với hộ nông dân. Nơi nào có DN nào mạnh, nơi nào liên hiệp HTX mạnh thì vào. Vận động HTX chuyên lo sản xuất. Có người chuyển giao công nghệ, có người đưa giống. Làm mô hình đó chắc chắn là thành công.
Lê Thúy - Lưu Đoàn
Ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Chính phủ cần ban hành cơ chế đặc thù để tỉnh có thể hỗ trợ cho các HTX. Trong đó, Bộ NN&PTNT bổ sung Thông tư 15 quy định tiêu chí điều kiện hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đối với HTX nông nghiệp. Hiện nay, địa phương có kinh phí nhưng do tiêu chí ban hành quá chặt nên chúng tôi không hỗ trợ được. Bộ KH&ĐT sớm ban hành Thông tư thay Thông tư 01 ngày 19/1/2016 về hướng dẫn tiêu chí phân loại đánh giá HTX. Bà Lưu Thị Chỉ - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Bình Một đất nước phát triển không thể không có kinh tế tập thể, người yếu thế không thể không vào HTX và liên kết với nhau. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về kinh tế tập thể, hợp tác xã; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển hợp tác xã, đặc biệt HTX trong lĩnh vực nông nghiệp… Thời gian tới, các HTX mong Thủ tướng có quyết sách tháo gỡ các khó khăn, giúp HTX khẳng định vị thế của mình như tại Đức, Nhật Bản và Mỹ. Ông Nguyễn Thành Nhân - Tổng Giám đốc Saigon Co.op Chúng ta luôn nói xây dựng và phát triển HTX kiểu mới nhưng các nước phát triển như Mỹ, Canada đã đi những bước xa hơn, gọi là HTX thế hệ mới. Những nước này luôn tìm cách gỡ khó cho HTX truyền thống bằng cách làm sao tạo điều kiện để HTX thu hút được nhiều vốn nhất, đặc biệt họ còn chấp nhận trả lãi cho những người bỏ nhiều vốn đầu tư vào HTX… |