Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền về khu vực KTHT, HTX?
Trước hết, tôi đánh giá rất cao vai trò của báo chí nói chung và báo chí khu vực kinh tế hợp tác nói riêng trong việc chuyển tải thông tin về hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, và đông đảo hơn cả là khu vực DNNVV – hiện chiếm tới 90% tổng số doanh nghiệp của nền kinh tế.
Không những vậy, báo chí còn theo sát phản ánh mọi mặt của đời sống DN, cả thuận lợi lẫn khó khăn, mà các hợp tác xã thì khó khăn luôn nhiều hơn. Chẳng hạn, khó khăn liên quan đến khả năng phân bổ các nguồn lực, tiếp cận đất đai, tín dụng, thủ tục hành chính, thủ tục đăng ký kinh doanh, điều kiện pháp lý để hỗ trợ HTX…
Rất đáng mừng là thời gian qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt đề cao vai trò KTHT, kinh tế tư nhân. Chưa khi nào KTHT, HTX kiểu mới được nhìn nhận, coi trọng và phát triển thuận lợi như hiện nay thì mới có thể khoả lấp khoảng trống nguồn cung sản phẩm, dịch vụ cho DN và liên kết sức mạnh của sản xuất cá thể, hộ gia đình.
![]() |
Ông Hồ Quang Lợi , Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam |
Một trong những điểm mới hiện nay là hình thành chuỗi giá trị gắn kết HTX với các DN thông qua liên kết các bên cùng có lợi. Theo đánh giá của ông, báo chí đã góp phần như thế nào vào việc tuyên truyền sâu rộng chủ trương này?
Đúng vậy, người ta vẫn nói “Buôn có bạn, bán có phường”. Ngày nay, không thể hoạt động sản xuất kinh doanh đơn lẻ mà hơn bao giờ hết, các DN nhỏ phải tìm cách hợp tác theo kiểu liên kết chuỗi với các DN lớn để tận dụng vốn, nguồn lực, công nghệ để phát triển. Nhờ đó, các HTX được vận hành liên kết trong một không gian hợp tác, được những tập đoàn kinh tế lớn đầu tư công nghệ, đào tạo nhân lực thông qua các mô hình hợp tác hiệu quả.
Mới đây, Chính phủ đã có nhiều cơ chế ưu đãi đối với khu vực kinh tế hợp tác như ưu đãi thuế, tín dụng, ban hành nghị định của Chính phủ về hỗ trợ liên kết HTX sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; các chính sách hỗ trợ ngành nghề nông thôn, về giảm tổn thất sau thu hoạch và lập Đề án trình Chính phủ phê duyệt đổi mới phát triển 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020 theo nghị quyết của Quốc hội. Xây dựng đề án hỗ trợ phát triển HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Trong thời đại công nghiệp 4.0, người ta thường nói đến sản xuất nông sản sạch, an toàn. Tuy nhiên, nếu nhìn trên mặt báo thì còn quá nhiều vấn nạn cần đẩy lùi như hàng loạt vụ việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm thời gian qua, cho thấy sản xuất, lưu thông, phân phối ở Việt Nam còn nhiều mối lo. Ý kiến của ông với tư cách là Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam?
Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang len lỏi vào đời sống và là xu thế tất yếu, chứ không chỉ là chạy theo phong trào. Tuy nhiên, để hướng tới một nền nông nghiệp sạch, an toàn thì còn rất nhiều việc phải làm. Trước hết là phải xây dựng từ nhận thức đến thay đổi hành vi của từ nhà sản xuất, đến khâu phân phối, lưu thông, phải vì sức khỏe người tiêu dùng.
Trên thực tế, do một số đối tượng do cái nhìn thiển cận, hám lợi trước mắt đã không từ thủ đoạn để gây hại cho cộng đồng như tẩm ướp hoa quả, thực phẩm bằng formadehyte, hay cho lợn uống thuốc an thần mà gần đây báo chí đã phanh phui. Các cơ sở sản xuất này phải bị công khai danh tính và truy cứu trách nhiệm hình sự, mới đủ sức răn đe.
Nhà báo phải góp phần đấu tranh để làm lành mạnh nền nông nghiệp Việt. Hội Nhà báo luôn đứng về phía các nhà báo chân chính để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự thật.
Hồng Quân thực hiện