Hiện, Hà Nội có 98 QTDND, với tổng số khoảng 122.000 thành viên, tổng nguồn vốn trên 12.000 tỷ đồng. Hoạt động của các QTDND đã hỗ trợ vốn kịp thời cho các thành viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, tạo công ăn việc làm, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Đổi đời từ vay vốn Quỹ
Anh Nguyễn Hữu Đãi, Giám đốc Công ty Việt Đức chuyên sản xuất két bạc, tủ văn phòng ở xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, cho biết cách đây 5 năm, gia đình gặp rất nhiều khó khăn, sản xuất bị đình trệ do thiếu vốn. Bắt đầu từ món vay 300 triệu đồng của QTDND để đầu tư sản xuất và thuê nhân công lao động, đến nay, anh Đãi đã có một cơ sở sản xuất khá lớn với hàng chục lao động, doanh thu năm 2019 đạt trên 3 tỷ đồng/năm, không chỉ trả hết nợ cho Quỹ, mà gia đình anh còn có của ăn, của để.
Tương tự, từ khi nhận được nguồn vay 100 triệu đồng của QTDND Vân Canh để xây dựng cơ sở chế biến lương thực, sau hơn 3 năm, hộ ông Phí Công Thân, thôn An Trai đã tích lũy được vốn và xây dựng thêm 2 cơ sở chế biến, nay đã trở thành tỷ phú, mỗi năm thu lãi trên 300 triệu đồng, thu hút trên 50 lao động.
![]() |
Nhờ vay vốn từ QTDND mà nhiều hộ nông dân đã vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống (Ảnh TL) |
Ông Trần Đức Tiến, Giám đốc QTDND Vân Canh cho hay, Quỹ đi vào hoạt động từ năm 1994, hoạt động trên 3 xã và 1 phường. Chủ trương xuyên suốt của Quỹ là đầu tư cho vay phải an toàn và phát huy hiệu quả, kiểm soát được rủi ro; phát huy hết tiềm năng lợi thế của Quỹ là gần dân, sát dân, thành viên của Quỹ cũng là khách hàng vay vốn.
Nguồn vốn của Quỹ đã tạo điều kiện cho nhiều cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn phục hồi sản xuất, mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh, tạo được nhiều công ăn việc làm cho người lao động, hạn chế tình trang cho vay nặng lãi ở nông thôn. Ngoài ra, Quỹ cũng đầu tư cho một số hộ gia đình làm nông nghiệp tích tụ ruộng đất mạnh dạn chuyển đổi làm mô hình kinh tế, nhiều hộ gia đình phát triển thành HTX, trang trại với thu nhập khoảng 300 - 400 triệu đồng/năm.
Hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận
Câu chuyện của QTDND Vân Canh chỉ là một trong số nhiều QTDND trên địa bàn TP Hà Nội đã phát huy vai trò "bà đỡ" của mình trong việc cho người dân vay vốn, phát triển sản xuất, nhờ đó kinh tế gia đình và địa phương đã có những chuyển biến mạnh.
Qua tìm hiểu, có thể thấy hệ thống QTDND có một lợi thế mà các ngân hàng thương mại không có được, đó là lợi thế gần dân, hiểu dân. Các thành viên trong Quỹ có mối quan hệ hiểu biết về nhau, do vậy có thể cung cấp các khoản vay trong thời gian nhanh nhất, đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách của người đi vay. Mục tiêu hoạt động chủ yếu của hệ thống QTDND là tương trợ giữa các thành viên, giúp cho các thành viên của Quỹ có thể tiếp cận được nguồn vay một cách dễ dàng, nhanh chóng phục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm cải thiện cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế hộ gia đình và hạn chế "tín dụng đen" ở địa phương, nhất là địa bàn nông thôn.
![]() |
Hệ thống QTDND đã và đang trở thành người bạn tin cậy của bà con nông dân (Ảnh: TL) |
Có thể thấy, hệ thống QTDND trên địa bàn Hà Nội hiện nay đã phát triển ổn định, khẳng định vai trò, vị trí của kinh tế hợp tác trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và các dịch vụ ngân hàng, phục vụ trực tiếp công cuộc đổi mới và xây dựng nông thôn mới. Hệ thống đã và đang trở thành người bạn tin cậy của bà con nông dân, là kênh cung ứng các khoản tín dụng nhỏ có hiệu quả để phát triển sản xuất kinh doanh
Mặc dù vậy, vẫn có những "điểm nghẽn" trong câu chuyện QTDND. Ông Nguyễn Văn Sinh, Chủ tịch HĐQT QTDND Dương Nội (quận Hà Đông) kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho QTDND được vay bằng thế chấp tài sản đối với các thành viên có pháp nhân là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, để tạo điều kiện cho họ có nguồn vốn vay thuận lợi phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, bỏ thuế thu nhập đối với lãi cổ phần của thành viên góp vốn vào QTDND, vì số tiền góp vốn không nhiều và thành viên góp vốn vào QTDND không phải vì mục đích tìm kiếm lợi nhuận.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, thực tế đã khẳng định QTDND là mô hình kinh tế có hiệu quả, hợp lòng dân, nhưng cơ chế quản lý như hiện nay còn nhiều bất cập, khó kiểm soát và quản lý chặt chẽ. Bởi, hoạt động của QTDND tuy nhỏ nhưng phạm vi ảnh hưởng rộng, hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ rất nhạy cảm, mọi sự thay đổi của Quỹ đều ảnh hưởng dây chuyền tới toàn xã hội. Vì vậy, nên có cơ chế quản lý theo ngành dọc như ngân hàng thương mại hiện nay.
Châu Thành