Huyện Phú Thiện là địa phương được chọn xây dựng mô hình HTX điểm kiểu mới của tỉnh Gia Lai. Theo đó, huyện đã có kế hoạch triển khai, đồng thời các HTX tại địa phương cũng có những đổi mới trong hoạt động để theo kịp tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Vai trò “đầu kéo” của HTX điểm
Được thành lập từ tháng 7/2016, HTX Nông nghiệp Chư A Thai đến nay có 59 thành viên với tổng số vốn góp điều lệ trên 310 triệu đồng. Hoạt động kinh doanh chủ yếu trong các lĩnh vực dịch vụ thủy nông, giao thông nội đồng, kênh mương, làm đất, thu hoạch, xây dựng hệ thống tưới tiêu, phân bón, cung ứng lúa giống và dịch vụ tín dụng nội bộ... Từ khi chuyển sang hoạt động theo Luật HTX năm 2012, hoạt động của HTX được mở rộng hơn, góp phần tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn.
![]() |
Hội tụ cả ba yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", gạo Phú Thiện có chất lượng thơm ngon hàng đầu cả nước (Ảnh: TL) |
Hiện nay, HTX đang quản lý tổng diện tích sản xuất gần 210ha, trong đó 120ha đã được triển khai mô hình cánh đồng lớn. Đặc biệt, HTX đã hình thành việc sản xuất gắn liền với chuỗi giá trị theo cách liên kết các hộ thành viên sản xuất các bộ giống lúa tốt để nâng cao chất lượng gạo Phú Thiện. Đồng thời cam kết thu mua đảm bảo đầu ra sản phẩm lúa gạo cho người nông dân. Mỗi năm, HTX thu mua hơn 100 tấn lúa để chế biến gạo thành phẩm đưa ra thị trường.
Giám đốc HTX Phạm Ngọc Nghĩa cho biết, sau hơn 2 năm triển khai, hiệu quả, tới đây, HTX sẽ mở rộng thêm địa bàn hoạt động, thực hiện nhiều dịch vụ trên các địa bàn khác trong huyện.
Theo đó, các hộ nông dân là thành viên HTX tham gia mô hình cánh đồng lớn với các giống lúa năng suất như: DT66, LH12, TBR225 do HTX cung ứng cùng với những hỗ trợ về mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không tính lãi để đầu tư sản xuất.
"Vá lỗ hổng" nguồn lúa giống
Huyện Phú Thiện là trung tâm của cánh đồng lúa nước lớn nhất Tây Nguyên với tổng diện tích hơn 6.200ha. Đây là địa phương hội đủ 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phát triển sản xuất lúa gạo hàng hóa quy mô lớn.Trong đó, yếu tố thời tiết nắng nóng với độ bức xạ nhiệt cao giúp hạt gạo Phú Thiện có chất lượng thơm ngon hàng đầu cả nước. Diện tích đất rộng lớn, tập trung, liền thửa là điều kiện thuận lợi để tích tụ ruộng đất, tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lúa lớn một giống. Ruộng đồng được cung cấp nguồn nước dồi dào từ công trình đại thủy nông Ayun Hạ đảm bảo cho nông dân sản xuất mỗi năm 2 vụ lúa ăn chắc. Cùng với đó, nông dân Phú Thiện cần cù và có kinh nghiệm lâu năm về sản xuất lúa nước.
![]() |
Đảm bảo phát triển thương hiệu ngay từ khâu đầu vào là lúa giống có chất lượng cao (Ảnh: TL) |
Từ năm 2012, Huyện ủy Phú Thiện đã ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện”.Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố thuận lợi đó, có một “lỗ hổng” lớn trong quá trình xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện” là địa phương chưa sản xuất được nguồn lúa giống tại chỗ mà phải phụ thuộc vào nguồn giống mua từ bên ngoài, kể cả 3 loại lúa đã được cấp văn bằng bảo hộ “Nhãn hiệu chứng nhận Gạo Phú Thiện-Gia Lai”.
Theo phân tích của các chuyên gia Học viện Nông nghiệp Việt Nam, với diện tích gieo trồng 2 vụ hơn 12.000 ha, nông dân Phú Thiện cần sử dụng tổng cộng hơn 1.800 tấn lúa giống/năm. Gần như toàn bộ lúa giống đều phải đi mua từ nơi khác do địa phương chưa sản xuất được. Điều này dẫn đến hệ lụy là chi phí sản xuất cao, không kiểm soát được chất lượng hạt giống, nhiều khi nông dân mua phải lúa giống không đảm bảo chất lượng làm giảm hiệu quả sản xuất.
Để “vá lỗ hổng” đã được các nhà khoa học chỉ ra, đầu tháng 5 vừa qua, UBND huyện Phú Thiện ban hành “Đề án liên kết sản xuất lúa giống trên địa bàn huyện giai đoạn 2020 - 2025” do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện. Tổng diện tích lúa giống khoảng 80 ha; kinh phí thực hiện trong 5 năm là hơn 11 tỷ đồng, trong đó dự kiến ngân sách nhà nước đầu tư hơn 10,4 tỷ đồng và nhân dân đóng góp hơn 750 triệu đồng.
Lãnh đạo UBND huyện Phú Thiện cho biết, mục tiêu của Đề án là áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa giống nhằm tạo ra nguồn lúa giống chủ lực, chất lượng cao, đảm bảo đáp ứng đủ giống tốt phục vụ sản xuất của địa phương với giá thành thấp và hướng tới cung cấp ra thị trường, qua đó tăng thu nhập cho nông dân.
Trước mắt, trong vụ mùa 2020, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện sẽ liên kết với HTX Nông nghiệp Chư A Thai sản xuất 12ha lúa giống xác nhận LH12 và TBR225. Theo đó, Trung tâm liên kết với CTCP Tập đoàn ThaiBinh Seed và Công ty TNHH Tân Cường cung cấp lúa giống nguyên chủng TBR225 và LH12 cho nông dân. Đồng thời, phối hợp với các viện nghiên cứu lúa, các ngành chức năng chuyển giao công nghệ sản xuất hạt giống theo quy trình sản xuất lúa giống do Bộ NN&PTNT quy định nhằm tiến tới đạt chuẩn, hợp quy để từng bước đưa lúa giống ra thị trường.
Đức Nguyễn