Hiện, các HTX đang rất cần sự hỗ trợ tích cực từ các cấp ngành, doanh nghiệp bao tiêu. Trước mắt là các hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, sau đó là hỗ trợ nguồn vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh, khắc phục hậu quả của dịch Covid-19.
Nông sản khó tiêu thụ
Thống kê của Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam cho thấy, địa phương hiện có hơn 380 HTX, trong đó có 285 HTX nông nghiệp. Phần lớn các sản phẩm nông nghiệp của các HTX được tiêu thụ trên địa bàn TP Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, trong khi các địa phương này và cả tỉnh Quảng Nam đang thực hiện giãn cách xã hội, nên tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn.
![]() |
Tiêu thụ sản phẩm của HTX nông nghiệp Ái Nghĩa đang gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 (Ảnh:TL) |
“Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam đang thống kê số lượng HTX bị ảnh hưởng để đề xuất các cơ quan chức năng sớm có biện pháp hỗ trợ, giúp các HTX giảm bớt khó khăn”, ông Hồ Dậy, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam cho biết.
Một trong những HTX nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại tỉnh Quảng Nam là HTX nông nghiệp Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc.
Theo Giám đốc Trương Cảm, Ái Nghĩa là HTX toàn xã với 1.704 hộ thành viên, 2.064 cổ phần, số cán bộ làm việc tại HTX là 16 người. Năm 2019, tổng doanh thu của thành viên HTX đạt 23,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của HTX đạt 400 triệu đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu đạt 18 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng bởi 2 đợt dịch Covid-19, chỉ tính riêng 3 dịch vụ là dịch vụ giết mổ tập trung, tiêu thụ bánh tráng và gạo an toàn sụt giảm doanh số hơn 50% so với cùng kỳ năm 2019.
Cũng theo ông Trương Cảm, chưa bao giờ HTX gặp khó khăn như năm nay. Nguyên nhân là do dịch bệnh Covid-19 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh của HTX và các thành viên. Trước những khó khăn đang gặp phải, HTX đang tiếp tục chỉ đạo các hoạt động sản xuất, kinh doanh bằng việc thực hiện cách ly theo đúng quy định, đảm bảo sức khỏe cho người lao động làm việc để đảm bảo thu nhập cho người lao động và cán bộ công nhân viên.
“Chúng tôi mong Nhà nước quan tâm và có cơ chế, chính sách hỗ trợ về kết nối, tiêu thụ nông sản, hỗ trợ nguồn vốn, nhất là đối với các HTX nông nghiệp để các thành viên trong HTX ổn định sản xuất, khắc phục khó khăn”, ông Trương Cảm kiến nghị.
Tìm hướng gỡ khó cho các HTX
Không chỉ các HTX ở khu vực miền Trung chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mà các HTX ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam cũng đồng cảnh ngộ, nhất là các HTX sản xuất và cung cấp nông sản vào các nhà hàng, bếp ăn tập thể, khu công nghiệp và trường học.
![]() |
Các HTX nông nghiệp rất cần kết nối thị trường để tiêu thụ nông sản. |
Ông Triệu Ngọc Sơn, Giám đốc HTX Vạn Xuân Trường, Nam Định cho biết, trước thời điểm dịch bệnh, trung bình mỗi ngày HTX cung ứng hàng tấn thực phẩm (gạo, rau, thịt, trứng…) cho các trường học, nhà hàng, bếp ăn khu công nghiệp.
Tuy nhiên, đến thời điểm dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát trở lại, học sinh chưa đi học, trong khi đó các nhà hàng, bếp ăn tập thể hạn chế hoạt động, nên nguồn hàng của HTX bị tồn đọng lại. Giá thịt gà thả vườn trước kia HTX giao bán giá 90-100 nghìn đồng/kg, hiện nay xuống chỉ còn 60-65 nghìn đồng/kg nhưng HTX cũng không xuất bán được.
"Hiện HTX vẫn chưa biết xoay xở ra sao! Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thêm thì mọi kế hoạch kinh doanh năm 2020 của HTX sẽ bị đổ bể, khả năng thua lỗ là rất lớn."Ông Triệu Ngọc Sơn nói.
Cũng rơi vào cảnh khó khăn là HTX Hải Nông (huyện Củ Chi, TP.HCM), đơn vị chuyên cung cấp các mặt hàng rau củ quả chủ yếu cho các trường học, bệnh viện, bếp ăn công nghiệp, nhà hàng trên địa bàn thành phố.
Ông Hoàng Thanh Hải, Giám đốc HTX cho biết, hiện nay, trường học đóng cửa vì đang nghỉ hè, nhà hàng hoạt động cầm chừng gây khó khăn lớn cho HTX. Với 10ha sản xuất các loại rau, củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP và hàng chục hộ liên kết, trước khi dịch bệnh xảy ra, trung bình mỗi ngày HTX cung cấp ra thị trường từ 2,5-3 tấn rau củ, quả. Đến thời điểm hiện này, số lượng nông sản cung cấp ra thị trường giảm 50% so với trước đó.
Được biết, ngay từ đầu tháng 3/2020 đã có khoảng 70% thành viên HTX không nhập được giống cá, giống cây trồng từ Trung Quốc; giảm 45% giá bán nông sản thực phẩm so với tháng 12/2019. Tuy nhiên, những con số này là ở thời điểm dịch bệnh mới chỉ bắt đầu bùng phát, đến nay khi mà dịch bệnh đã lan rộng và tái phát, thì những tác động đối với ngành Nông nghiệp nói chung và khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã của Việt Nam còn khó khăn hơn gấp bội.
Ông Vũ Quang Phong, Tổng giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (Liên minh HTX Việt Nam) cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho các HTX, ngoài việc tiêu thụ nông sản tại các chợ truyền thống, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư đang đẩy mạnh kết nối, xúc tiến thương mại với các chuỗi siêu thị, các thành viên liên kết để giới thiệu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của các HTX.
“Dự kiến trong tháng 10, Trung tâm sẽ tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu cho các HTX, đồng thời phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị trực tuyến để kết nối các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời giới thiệu các sản phẩm nông sản tại các tỉnh phía Nam với các thành viên liên kết để bao tiêu khoảng 20-30% nông sản cho các HTX”, ông Phong nhấn mạnh.
Phạm Duy