Chiềng Sơn là xã biên giới của huyện Mộc Châu với 24 bản, tiểu khu và 7 đồng bào dân tộc sinh sống. Trước đây, khi nhắc đến Chiềng Sơn, người dân thường nhờ đến câu nói: “Ruồi vàng, bọ chó, gió Chiềng Sơn” để khái quát về những khó khăn, khắc nghiệt của vùng đất này. Đến năm 2010, Chiềng Sơn vẫn phải đối mặt với cảnh nghèo túng, lạc hậu. Toàn xã có tới gần 50% hộ nghèo, còn nhà tạm bợ, dột nát thì nhiều vô kể.
Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm của chính quyền và nhân dân, đến năm 2017, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới và từ đó đến nay tiếp tục bắt tay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Triển vọng từ cây chanh leo
Để duy trì và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, Chiềng Sơn tiếp tục xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, thành lập thêm các HTX, đồng thời khuyến khích các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật phù hợp với điều kiện tự nhiên gắn với bảo vệ môi trường. Ngoài ra, xã còn chuyển đổi 300ha diện tích trồng ngô sang trồng cây ăn quả. Nhiều hộ dân đã có nguồn thu nhập cao từ các mô hình mới.
Một trong những mô hình hoạt động hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho thành viên và nông dân đó chính là HTX Nông nghiệp Hoàng Sơn. Đi vào hoạt động với 30 thành viên, HTX đã chú trọng sản xuất chanh leo theo quy trình an toàn VietGAP và GlobalGAP.
Ông Hà Văn Khởi, thành viên HTX Hoàng Sơn cho biết gia đình ông có 1,5 ha chanh leo. Nhờ bảo đảm quy chuẩn trong chuỗi giá trị nên giá sản phẩm lúc nào cũng cao gấp 1 - 3 lần so với diện tích chanh leo nhân dân trồng không theo chuỗi. Đặc biệt, vào HTX, ông còn được đi tập huấn, được hỗ trợ một số vật tư phục vụ sản xuất.
![]() |
Không ít hộ dân có việc làm và nâng cao thu nhập từ trồng chanh leo và tham gia HTX. |
Nhờ đẩy mạnh mở rộng diện tích đi đôi với nâng cao chất lượng, HTX hiện có 35 ha, trong đó 20 ha sản xuất theo tiêu chuẩnVietGAP, 5 ha đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để đạt chứng nhận GlobalGAP. Năm 2019, HTX cung ứng ra thị trường 700 tấn quả, thị trường tiêu thụ chính là cho Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc.
Theo đánh giá của lãnh đạo UBND xã, HTX Hoàng Sơn được thành lập ngay sau khi xã bắt tay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao. Nhờ chú trọng liên kết với doanh nghiệp, hoạt động sản xuất của HTX đều đạt được hiệu quả. Đến nay, HTX đang tạo việc làm cho hàng chục hộ dân trên địa bàn xã và là đơn vị đứng ra bao tiêu sản phẩm cho những hộ trồng chanh leo.
Nhờ có HTX Hoàng Sơn, chanh leo đã trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị. Theo tính toán, 1 ha chanh leo có thể thu nhập 200 - 300 triệu đồng, thời gian thu hoạch kéo dài 3 năm, chi phí đầu vào không cao. Vì vậy, việc tạo điều kiện cho HTX phát triển loại cây này là hướng đi đúng đắn của địa phương để giúp người dân xóa đói, giảm nghèo và nâng cao thu nhập.
Nâng cao đời sống
Ngoài mô hình của HTX Hoàng Sơn, những năm gần đây, xã đã xây dựng được một số mô hình kinh tế sản xuất hiệu quả như: Mô hình chăn nuôi bò, chăn nuôi lợn, trồng cây ăn quả, đặc biệt phát triển mạnh về kinh tế trang trại, kinh tế vườn. Hiện, trên địa bàn xã có 4 HTX sản xuất kinh doanh và hoạt động hiệu quả. Bộ mặt nông thôn trên địa bàn xã ngày càng khang trang sạch đẹp, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện.
Theo lãnh đạo xã Chiềng Sơn, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là vấn đề cốt lõi của xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Chính vì vậy, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế, đặc biệt là các HTX được xã hết sức quan tâm. Nhờ đó, đời sống của người dân trong xã được nâng lên rõ rệt, tính đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 32 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 3,96%.
![]() |
Phụ nữ xã Chiềng Sơn tham gia trồng hoa để làm đẹp các tuyến đường. |
Đối với nhóm tiêu chí có liên quan đến cơ sở vật chất, xã tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới được phê duyệt. Xã đã cử cán bộ xã phụ trách các vấn đề được phân công, phối hợp với các bí thư chi bộ bản, trường bản tuyên truyền vận động người dân quét dọn vệ sinh, trồng hoa bên đường, chỉnh sang nhà cửa. Trạm y tế, trường học tiếp tục được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Sau 3 năm về đích nông thôn mới, xã đã hoàn thành 14/17 tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Với sự quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự đồng lòng ủng hộ của người dân, tin tưởng chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao sẽ đạt nhiều kết quả tích cực, giúp cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện và bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc, đưa Chiềng Sơn trở thành mô hình điểm để các xã học tập, noi theo.
Huyền Trang