![]() |
Phát triển ví điện tử sẽ giúp tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đạt mục tiêu (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Theo các chuyên gia, tái cấu trúc nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 có rất nhiều việc phải làm, một trong những việc rất quan trọng là phải thực hiện số hóa nền kinh tế và số hóa doanh nghiệp, đẩy mạnh thương mại điện tử.
Covid-19 "kích" ngân hàng đẩy nhanh số hóa
Việt Nam hiện đã có 70 tổ chức tín dụng, chưa kể các đơn vị trung gian thanh toán như ví điện tử đã triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua Internet, cung ứng các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet đã đạt trên 7 triệu tỷ đồng và 300 nghìn tỷ đồng giao dịch qua điện thoại di động.
Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng về Mobile Banking là 200%. Thống kê hiện có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày.
Trong đại dịch Covid-19, xu hướng tiêu dùng của người dân và kinh doanh của các doanh nghiệp có sự thay đổi khá rõ nét sang thanh toán, giao dịch online.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Ngân hàng số BIDV chia sẻ, trong đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua, các dịch vụ trên smartbanking của BIDV tăng trưởng mạnh. Trong đó, khách hàng có thể sử dụng đến 1.300 loại giao dịch thanh toán, chiếm 85% tổng giao dịch các kênh điện tử của BIDV, xử lý bình quân 15,5 triệu giao dịch/tháng với tổng giá trị 11.000 tỷ đồng.
"Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, BIDV đã tích hợp VinID với hạng mục “đi chợ online” để tăng tiện ích cho khách hàng", ông Thắng cho hay.
Ông Phạm Quang Đệ, Giám đốc Công nghệ - Ngân hàng số LienVietPostBank cho biết, trong dịch Covid-19, lượng giao dịch trực tuyến qua ứng dụng ngân hàng số Ví Việt phát triển rất mạnh, tăng trưởng 20%, đạt 15.000 tỷ đồng về tổng giá trị giao dịch chỉ trong một tháng, nhưng thanh toán hóa đơn, dịch vụ mới chỉ đạt 110 tỷ đồng.
“Về ví điện tử, thanh toán hóa đơn, thanh toán thương mại điện tử mới chỉ chiếm tỷ trọng tương đối thấp trong dòng tiền lưu chuyển trên kênh số. Nguyên nhân là do các hình thức thanh toán hiện nay vẫn phức tạp với người dùng, rào cản về thói quen dùng tiền mặt vẫn còn lớn", ông Đệ nói.
Các chuyên gia nhận định, về cơ bản, Việt Nam đã có khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán số, vấn đề đặt ra là phát triển những mô hình mới, nhưng chính sách lại không theo kịp được sự phát triển.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, để ra đời một Nghị định có khi cần tới vài năm, trong khi công nghệ luôn phát triển, thậm chí chỉ sau 2 - 3 tháng lại có một loại hình mới. Do đó, phải thay đổi, cho phép những mô hình đổi mới sáng tạo với những thứ chưa có cơ sở pháp lý, ví dụ như thời gian qua có Mobile Money.
“Hay như trong mùa dịch Covid-19 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước phải xây dựng quy định về mở tài khoản bằng phương pháp xác nhận điện tử, tạo điều kiện cho khách hàng mở tài khoản”, ông Dũng nhấn mạnh.
Dự kiến trong tháng 6 này, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, lần đầu tiên Việt Nam sẽ có khái niệm về tiền điện tử, ngân hàng đại lý. Đây là cơ sở để các ngân hàng phát triển ngân hàng số toàn diện. |
“Kéo” gần nửa số dân “đi chợ” trực tuyến
Ngoài ra, thói quen dùng tiền mặt cũng là rào cản lớn khiến thanh toán điện tử chưa phát triển như kỳ vọng. Do đó, vẫn cần cú hích mạnh để thay đổi thói quen người dùng. Tác động cần thiết ở đây là chất lượng dịch vụ phải tăng cường, hướng dẫn đào tạo và thực hiện cài đặt, sử dụng dịch vụ Mobile Banking thật đơn giản.
Nghiên cứu của LienVietPostBank cho thấy, các công ty thương mại điện tử, công ty sở hữu nền tảng mua bán trực tuyến hiện đang phát triển lớn mạnh đều có sở hữu hoặc tích hợp sâu với các ví điện tử: Grab có Moca, Shopee có AirPay, Lazada tích hợp eMoney...
Phân tích những vấn đề đặt ra với sự phát triển của thanh toán điện tử, Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, thống kê Việt Nam có 40% người dân không có tài khoản ngân hàng, nên để mời gọi sử dụng hệ thống thanh toán quốc gia thì phải kích thích người dân dùng ví điện tử.
“Đối với ví điện tử, không có điều kiện bảo đảm cho người dùng, bởi tiền của họ có thể được sử dụng cho mục đích đầu tư khi hiện nay có hình thức đầu tư qua đêm và hình thức đầu tư trong ngày”, ông Hiếu cho biết và cảnh báo đây cũng có thể là rủi ro cho người dùng.
“Nếu chúng ta kiểm soát được điều này với chế tài chặt chẽ và công nghệ cao thì sẽ phát triển lành mạnh được loại hình ví điện tử”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Về Mobile Money, Ts. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng rủi ro là nhà viễn thông lại không phải là ngân hàng, nên hiện tượng "rửa tiền" có thể xảy ra. Cùng với đó, chức năng tạo tiền sẽ được các nhà mạng được phép thực hiện, là rủi ro với hệ thống tiền tệ.
Ông Lê Đình Ngọc, đại diện Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết vấn đề pháp lý và quá trình triển khai Moblie Money đang gặp nhiều khó khăn.
Các vấn đề đặt ra là phải quản lý "rửa tiền" như thế nào, làm sao quản lý các công ty truyền thông sử dụng tiền của khách hàng hay tạo tiền, thì Bộ tài chính đã quy định những giới hạn. Đó là khi tiền của khách hàng đưa vào công ty viễn thông thì bắt buộc phải chuyển 100% sang ngân hàng và bắt buộc không cho công ty truyền thông sử dụng tiền đó để đầu tư, mà chỉ để thanh toán cho khách hàng…
Thanh Hoa