“An ơi, kiểm tra tiếng Anh thuyết trình nghe có rõ không, có nhanh quá không?”, ông Lê Bá Tân, CEO Viettel IDC bất ngờ đặt câu hỏi khi đang mở đầu bài thuyết trình trước hàng nghìn khán giả tại hội nghị diễn ra sáng nay 22/4 tại Hà Nội.
“Không đâu ạ, có nhanh một chút nhưng vẫn cuốn lắm ạ”, một giọng nói vang lên trong khán phòng.
“Thế theo em, khoảng bao nhiêu phần trăm khán giả đang nghe anh nói?”, ông Tân tiếp tục hỏi.
“Dựa trên phân tích phản ứng ánh mắt và biểu cảm khoảng 80% khán giả đang chăm chú lắng nghe. Còn lại thì mọi người… có vẻ đang tranh thủ check email”, giọng nữ AI dí dỏm đáp lại.
Đoạn đối thoại trên không chỉ là màn trình diễn công nghệ thú vị khiến khán giả trầm trồ, mà còn mở đầu cho một câu chuyện lớn hơn, đó là sự lên ngôi của trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu (Data Center) tại Việt Nam.
![]() |
Ông Lê Bá Tân, CEO Viettel IDC nhận định có làn sóng đầu tư của các công nghệ nước ngoài vào thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam. |
Ông Lê Bá Tân tiết lộ rằng “người trợ lý” vừa đối đáp cùng ông chỉ là… một chatbot AI, với “mức lương” 20 USD/tháng. “Người trợ lý” này đã trở thành một phần không thể thiếu trong công việc hàng ngày của ông.
Ông Tân dùng ví dụ này để cho thấy AI giờ đây đã trở thành một công vụ vô cùng phổ biến, gần gũi trong đời sống hàng ngày. Chính sự phát triển mạnh mẽ này của AI là động lực tạo ra nhu cầu bùng nổ về hạ tầng tính toán - đặc biệt là các trung tâm dữ liệu (Data Center - DC).
Theo thống kê của McKinsey, năm 2023, công suất phục vụ AI của trung tâm dữ liệu toàn cầu chỉ đạt khoảng 21 GW thì năm 2030 con số này dự kiến tăng lên 155 GW, tương đương tốc độ tăng trưởng trung bình 33,5%/năm. Riêng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC), quy mô thị trường trung tâm dữ liệu được dự báo sẽ đạt 23.000 MW vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng khoảng 10,2%/năm.
Trong cuộc đua dịch chuyển sang các thị trường mới của các big tech hàng đầu thế giới, Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế như giá điện thấp, chi phí thuê đất cạnh tranh, chi phí đầu tư trung tâm dữ liệu chỉ khoảng 6,7 triệu USD/MW (thấp hơn đáng kể so với mức trung bình trong khu vực), giá thuê dịch vụ Co-location rẻ hơn 40 - 80% so với các nước lân cận và trên thế giới…
Trong khi các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines dư thừa nguồn cung thì riêng Việt Nam có hiện tượng nhu cầu vượt quá khả năng cung cấp của các nhà cung cấp hiện tại.
“Đây chính là một trong những cơ hội tốt để cho các nhà cung cấp dịch vụ tiếp tục phát triển”, ông Tân cho biết.
Dù không thể phủ định, Việt Nam vẫn còn không ít hạn chế so với các quốc gia khác, tuy nhiên, theo CEO Vietttel IDC, các quyết sách và chiến lược mạnh mẽ từ Đảng và Chính phủ, là những động lực tiếp sức trong cuộc đua trung tâm dữ liệu của Việt Nam.
Theo chuyên gia, một điểm sáng đáng chú ý là Luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân của Việt Nam sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/7/2025, đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia tiên phong về chính sách dữ liệu. Ngoài ra, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đổi mới sáng tạo, hay Nghị quyết 03 của Chính phủ, cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số và hiện đại hóa hạ tầng.
Tỷ lệ sử dụng Internet cao, chính sách an ninh mạng (Nghị định 53), cùng làn sóng số hoá của cả doanh nghiệp lẫn cơ quan nhà nước cũng là những yếu tố tạo nên “cơn gió lớn” cho cánh buồm trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.
Hiện tại, ngoài các tên tuổi quen thuộc trong nước như Viettel IDC, VNPT, CMC và VNG, Việt Nam đang chứng khiến làn sóng đầu tư từ các công ty công nghệ nước ngoài tiếp cận vào thị trường trung tâm dữ liệu. Bên cạnh các tên tuổi đã ký kết các hợp tác đầu tư như ST Telemedia (Singapore), Samsung SDS và BMEA (Trung Đông), một số ông lớn khác cũng đang trong quá trình thăm dò khảo sát thị trường.
“Những tên tuổi rất nổi tiếng là những ngân hàng cung cấp dịch vụ cloud, DC hàng đầu thế giới đang dần tiếp cận và xúc tiến đầu tư vào chúng ta. Quỹ Samsung cũng đã công bố kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu trị giá hàng tỷ USD tại Bình Dương. Đấy là những tín hiệu rất đáng vui mừng cho thấy Việt Nam đang thực sự hấp dẫn trên bản đồ công nghệ toàn cầu”, ông Tân bình luận.
Quy mô thị trường DC Việt Nam năm 2025 dự kiến đạt 630 triệu USD, và có thể tăng lên 1,1 tỷ USD vào cuối thập kỷ, cho thấy tiềm năng phát triển rất lớn.
“Với một thị trường quy mô trên 100 triệu dân, hiện nay chúng ta tuy vẫn thiếu vắng các big tech nhưng Luật dữ liệu đi vào cuộc sống tính từ 1/7 tới, kết hợp với những xu hướng bùng nổ của công nghệ và các dịch vụ số thì tôi tin rằng năm 2025 là một thời điểm tốt để doanh nghiệp Việt khai phá, mở rộng không gian tăng trưởng, đặc biệt là khi các bigtech và các công ty công nghệ đang đến và đầu tư vào chúng ta”, ông Tân nhấn mạnh.
Với sự góp mặt của các tên tuổi quốc tế và quyết sách chiến lược từ Chính phủ, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam đang mở ra cơ hội tỷ đô cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đỗ Kiều