Trước đây, sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Đắk Lắk chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống, năng suất thấp và gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh và sự chủ động của các HTX, công nghệ đã từng bước giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và mở rộng thị trường.
Những "trái ngọt" đầu mùa
Nhiều HTX đã đầu tư vào hệ thống tưới tiêu tự động, máy móc nông nghiệp hiện đại, giúp tiết kiệm chi phí và tăng năng suất. Việc áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... giúp các HTX và người dân vùng đồng bào DTTS nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đặc biệt, một số HTX đã sử dụng công nghệ thông tin để quản lý sản xuất, theo dõi tình hình dịch bệnh và dự báo thời tiết, giúp giảm thiểu rủi ro.
Đó là trong sản xuất, còn trong kinh doanh, nhiều HTX đã xây dựng website, fanpage... để giới thiệu sản phẩm và quảng bá thương hiệu. Việc tham gia các sàn thương mại điện tử giúp HTX vùng đồng bào DTTS mở rộng thị trường tiêu thụ, tiếp cận khách hàng trên toàn quốc. Một số HTX đã sử dụng các phần mềm quản lý bán hàng, quản lý kho... giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Việc ứng dụng công nghệ đã mang lại những "trái ngọt" đầu mùa cho các HTX vùng đồng bào DTTS ở Đắk Lắk. Năng suất cây trồng tăng, chất lượng sản phẩm được nâng cao, thu nhập của người dân được cải thiện.
![]() |
Ứng dụng công nghệ giúp nâng cao năng suất, mở rộng đầu ra cho nông sản. |
Điển hình như HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch Krông Pắc (xã Ea Yông) đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất sầu riêng. Các tiện ích công nghệ số này đã giúp cho thành viên HTX nắm chính xác những chỉ số về độ ẩm, dinh dưỡng, nhiệt độ, từ đó có cách chăm sóc sầu riêng theo đúng quy trình khoa học, phục vụ đắc lực cho xuất khẩu.
Hay HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại Tân Hòa (huyện Buôn Đôn) đã tập trung xây dựng một HTX nông nghiệp có quy mô, tập trung và hiện đại, được quản lý bằng công nghệ. Ưu thế của HTX là 60% nhân lực là những người trẻ nên HTX thường xuyên cập nhật các xu hướng mới trong sản xuất, bán hàng; áp dụng công nghệ số vào quá trình quản trị và điều hành.
HTX Tân Hòa cũng đã áp dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) vào việc viết bài, làm video quảng cáo sản phẩm của mình để chia sẻ trên các nền tảng thương mại điện tử như TikTok, Shopee, Nông sản Đắk Lắk, Lazada, VDONE…
Dự kiến năm 2026 – 2027, HTX sẽ dán tem mã định danh từng cây, xây dựng vườn nhãn hữu cơ, gắn camera, chip điện tử để người dùng có thể trực tiếp xem và đặt mua trước. Đồng thời, giúp HTX có thể theo dõi quá trình sinh trưởng của sản phẩm trên toàn diện tích của mình.
Trợ lực cho HTX
Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, các HTX vùng đồng bào DTTS ở Đắk Lắk đã nhận thức sâu sắc hơn việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số cho các HTX và người dân vùng đồng bào DTTS, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam tổ chức các khóa tập huấn về kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho HTX trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, giới thiệu 04 HTX tham gia dự án “Thanh niên trong HTX là chủ thể chuyển đổi số tại địa phương” của Liên minh HTX Việt Nam. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực và kết nối mạng lưới thanh niên trong chuyển đổi số tại địa phương.
Đặc biệt, trong công tác tư vấn hỗ trợ, Liên minh HTX tỉnh đã xây dựng Kế hoạch hỗ trợ kinh phí thành lập mới HTX. Như trong năm 2024, mỗi HTX được hỗ trợ về xây dựng Điều lệ, tổ chức hoạt động, phương án sản xuất kinh doanh...; Liên minh HTX tỉnh cũng đã tham gia tư vấn, hỗ trợ 16 sáng lập viên thành lập mới HTX.
![]() |
Người tiêu dùng tra cứu nguồn gốc sản phẩm gạo của HTX Thắng Bình (xã Cư Kty, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk). |
Năm 2024, từ ngân sách tỉnh cấp, Liên minh HTX tỉnh đã phê duyệt phương án và quyết định hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng mô hình cho 10 HTX hỗ trợ ứng dụng đổi mới công nghệ, xây dựng mô hình HTX điển hình tiên tiến năm 2024.
Liên minh HTX tỉnh cũng đã tổ chức 02 lớp tập huấn và 01 đoàn học viên sau khóa tập huấn đi tham quan, học tập kinh nghiệm từ nguồn kinh phí Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024; tổ chức 04 lớp tập huấn và 01 đoàn học viên sau khóa tập huấn đi tham quan, học tập kinh nghiệm vùng nguyên liệu cà phê; tổ chức 06 lớp tập huấn từ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2024.
Chính những trợ lực này đã giúp địa phương có thêm nhiều HTX vùng đồng bào DTTS ứng dụng hiệu quả công nghệ số vào sản xuất kinh doanh. Điển hình như HTX Nông nghiệp dịch vụ du lịch ROFC (huyện Krông Năng) đã vận động thành viên áp dụng công nghệ vào bán hàng trên Facebook, Zalo, Shopee, nên sản phẩm cà phê của HTX đã được nhiều chuỗi cửa hàng cà phê tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa… thu mua với giá cao hơn thị trường. Thời gian tới, HTX sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất các sản phẩm, như: công nghệ kiểm soát chất lượng, quản lý, giám sát nguồn gốc, từ đó giúp chuỗi cung ứng sản phẩm do HTX làm ra được minh bạch.
Thách thức không nhỏ
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh của các HTX vùng đồng bào DTTS ở Đắk Lắk vẫn còn gặp nhiều thách thức, như: Trình độ công nghệ của một số HTX còn hạn chế; HTX thiếu vốn đầu tư cho công nghệ; sản phẩm của HTX khó khăn trong việc tiếp cận thị trường.
Ngay như với HTX Nông nghiệp dịch vụ du lịch ROFC, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào quản lý quy trình sản xuất vẫn gặp khó khăn, chưa được đồng bộ một phần là do HTX chỉ có 30% đội ngũ là nhân sự trẻ, hầu hết thành viên là nông dân.
Để giải quyết những thách thức này cần có sự chung tay của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể và sự nỗ lực của chính các HTX.
Trong đó, việc tăng cường đào tạo, tập huấn về công nghệ cho các thành viên HTX vùng đồng bào DTTS đi liền với hỗ trợ vốn vay ưu đãi để các HTX đầu tư vào công nghệ là hết sức cần thiết
Theo Liên minh HTX, tỉnh Đắk Lắk xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đến cuối năm 2025 có khoảng 175 HTX nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản. Chính vì vậy, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và các ngành liên quan tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2025.
Đồng thời, phối kết hợp để xây dựng, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng tập huấn cho cán bộ quản lý HTX từ nguồn kinh phí Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các HTX vùng nguyên liệu để nâng hiệu quả ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh.
Minh Nhương