Kinh tế chia sẻ là mô hình kinh doanh mới, tận dụng lợi thế của công nghệ số, qua đó tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận một số lượng khách hàng thông qua các nền tảng số.
Kinh tế chia sẻ đã và đang hiện diện ở nhiều quốc gia, với nhiều loại hình đa dạng và linh hoạt, được nhiều chính phủ chấp nhận. Kinh tế chia sẻ đang nổi lên ở các nhóm nghề như dịch vụ vận tải (Uber, Grab, Lyft...), dịch vụ du lịch và khách sạn (Airbnb, VRBO)...
Thoát “bẫy” thu nhập trung bình
Ở Việt Nam, kinh tế chia sẻ mới phát triển trong vài năm trở lại đây, nhưng tốc độ phát triển nhanh. Từ năm 2014, dịch vụ vận tải trực tuyến (Uber, Grab, Dichung...) đã xuất hiện. Nhiều dịch vụ khác cũng đã xuất hiện, như dịch vụ chia sẻ phòng Airbnb.
Ước tính đến 2016 đã có trên 10.000 cơ sở đăng ký cho thuê phòng trên Airbnb hay du lịch (Triip. me), dịch vụ sửa chữa điện tử, điện lạnh, xây dựng (Radda), dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ cho vay ngân hàng (Peer to peer lending)…
Theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, kinh tế chia sẻ tạo ra một phương thức kinh doanh mới, mở ra cơ hội kinh doanh mới dựa trên nền tảng số ứng dụng công nghệ 4.0, thị trường cạnh tranh hơn và loại hình dịch vụ đa dạng hơn, qua đó mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Ts. Lucy Cameron - chuyên gia tư vấn nghiên cứu cao cấp thuộc Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp Liên bang Úc (CSITO), cho rằng Việt Nam đang là nước thu nhập trung bình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều nước đạt thu nhập trung bình nhưng giậm chân 30 - 40 năm vẫn không phát triển được hơn.
Do vậy, phát triển nền kinh tế chia sẻ sẽ giúp Việt Nam đạt mục tiêu của mình, vượt qua bẫy thu nhập trung bình thấp để chuyển sang thu nhập cao.
Ông Stefan Hajkowicz - chuyên gia thuộc CSITO, cũng cho rằng hiện nay, cả thế giới đang sáng tạo. Mỹ hay các nước châu Âu đều có các mô hình kinh tế chia sẻ. Nước nào không quan tâm ắt sẽ bị bỏ lại phía sau.
![]() |
Phát triển kinh tế chia sẻ sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi “bẫy” thu nhập trung bình |
Chính sách linh hoạt
Theo Ts. Nguyễn Thị Tuệ Anh, kinh tế chia sẻ đang làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường, quan hệ 3 bên (thay vì 2 bên) trong hợp đồng kinh tế; xung đột lợi ích với mô hình kinh doanh truyền thống, cạnh tranh không công bằng thậm chí dẫn tới tập trung kinh tế như thương vụ thâu tóm của Grab với Uber thời gian qua. Việt Nam muốn phát triển, trước hết cần phải giải quyết các thách thức mà kinh tế chia sẻ đặt ra.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cũng chỉ ra, rằng kinh tế chia sẻ có thể làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường, tiềm ẩn những rủi ro mà nhà quản lý cần phải quan tâm để bảo đảm lợi ích của cả người mua và người bán, cũng như nảy sinh các vấn đề giữa DN kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và DN kinh doanh truyền thống, vấn đề thu thuế phát sinh từ hoạt động dịch vụ...
Do vậy, việc xây dựng các chính sách mới hoặc điều chỉnh các chính sách hiện hành để đạt mục tiêu phát huy những tác động tích cực và giảm thiểu các hiệu ứng tiêu cực là hết sức cần thiết.
Theo bà Tuệ Anh, Việt Nam cần tận dụng cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội của mô hình kinh tế chia sẻ mang lại, coi đó cũng là tận dụng cơ hội của cuộc CMCN 4.0 bằng cách tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để thích nghi với sự đa dạng và phát triển nhanh của nền kinh tế số, trong đó kinh tế chia sẻ chỉ là một dạng mô hình kinh doanh mới ở một số lĩnh vực, tồn tại, đồng hành cùng mô hình kinh doanh truyền thống.
Đặc biệt, để tận dụng cơ hội của kinh tế chia sẻ, cần nhanh chóng cải thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi cho việc mở rộng phạm vi các sáng kiến kinh doanh, đào tạo nhân lực, kết nối các bên tham gia hệ sinh thái.
Ví dụ từ việc Singapore quản lý kinh tế chia sẻ bằng cách điều chỉnh chính sách liên tục hàng năm, ông Nguyễn Thế Trung - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty công nghệ DTT, cho rằng đó là cách quản lý sáng tạo mà Việt Nam cũng nên học tập. Nhà nước sẽ có những chính sách giống như nguyên liệu “dầu” giúp DN “chạy trơn” hơn.
Bà Sarah Pearson - Giám đốc Phòng Sáng tạo (thuộc Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc), khuyến nghị để phát triển kinh tế chia sẻ Nhà nước thay vì đưa ra các quy định quản lý nên để cho các DN thoải mái sáng tạo. Chính sách hỗ trợ DN phát triển chứ không ngáng đường của DN.
Thy Lê