Mới đây, công ty Grab Việt Nam đã giới thiệu dịch vụ Grab taxi đến các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu và Lâm Đồng. Nội dung được đơn vị này giới thiệu là một dịch vụ trên ứng dụng Grab, giúp kết nối các xe taxi có sẵn trên địa bàn tỉnh với hành khách có nhu cầu di chuyển bằng taxi.
Bộ Giao thông “tuýt còi”
Grab cam kết việc triển khai dịch vụ GrabTaxi hoàn toàn không làm phát sinh lượng xe taxi mới trên địa bàn; không tạo thêm áp lực cho hạ tầng giao thông; không làm thay đổi giá cước cũng như hoạt động điều hành, quản lý xe và tài xế của DN taxi.
Khách hàng vẫn trả số cước được hiển thị trên đồng hồ tính cước của xe taxi, theo đúng quy định tại Điều 6 Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Tuy nhiên, Bộ GTVT đã có văn bản “tuýt còi” việc mở rộng này của Grab. Cụ thể, Bộ GTVT cho biết, luôn ủng hộ việc ứng dụng KH-CN nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh để nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo sự thuận tiện cho người dân.
Nhưng việc ứng dụng chỉ áp dụng đối với các đơn vị vận tải đã được cấp giấy phép kinh doanh và phương tiện đã được cấp phù hiệu và phải chấp hành các điều kiện kinh doanh của ngành, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.
Ở đây, theo Quyết định 24 của Bộ GTVT về thí điểm ứng dụng KH-CN kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng, công ty TNHH Grab Taxi chỉ được phép thí điểm hoạt động tại 5 địa phương gồm Hà Nội, Tp.HCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Quảng Ninh.
Vì vậy, Bộ GTVT yêu cầu Grab không triển khai ứng dụng trên địa bàn ngoài 5 địa phương trên.
Bộ cũng yêu cầu Grab không được làm việc trực tiếp với lái xe taxi để cung cấp dịch vụ ứng dụng KH-CN hỗ trợ quản lý vận tải khi chưa được sự đồng ý của đơn vị kinh doanh vận tải và Sở GTVT địa phương.
![]() |
Bộ GTVT đã cấm Grab Taxi hoạt động ngoài 5 địa phương đã được cấp phép |
Lỗ hổng pháp lý?
Với văn bản trả lời trên, Bộ GTVT đã có sự xung đột về tư duy quản lý đối với Grab. Cụ thể, Bộ GTVT cấm Grab Taxi được hoạt động ngoài 5 địa phương, nhưng nếu có sự đồng ý của đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải và Sở GTVT tỉnh, Grab sẽ được trực tiếp làm việc với lái xe taxi để cung cấp dịch vụ ứng dụng KH-CN hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải.
Sau khi văn bản trả lời không rõ ràng này được phát đi, Grab có cơ sở khẳng định Grab Taxi có thể mở rộng.
Grab cho biết, theo hướng dẫn của Bộ GTVT mà Grab Việt Nam nhận được, dịch vụ GrabTaxi có thể hoạt động tại tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc sau khi đã ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với những đơn vị kinh doanh taxi đã được Sở GTVT địa phương cấp phép.
Grab Việt Nam cho rằng GrabTaxi là một trong những dịch vụ được tích hợp trong ứng dụng Grab đã được đăng ký với Bộ Công Thương, là ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử có phạm vi hoạt động trên toàn quốc và được hoạt động hoàn toàn hợp pháp (theo quy định của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử).
Theo hướng dẫn của Bộ GTVT, dịch vụ GrabTaxi có thể hoạt động tại tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc sau khi đã ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với những đơn vị kinh doanh taxi đã được Sở GTVT địa phương cấp phép.
Tức là Grab khẳng định Quyết định 24 chỉ giới hạn địa phương thí điểm đối với GrabCar. Còn với GrabTaxi, cũng theo “hướng dẫn của Bộ GTVT”, dịch vụ này có thể được hoạt động tại tất cả các tỉnh/thành phố trên cả nước.
Hồng Nhung