![]() |
Phải tìm được tiếng nơi chung giữa nông dân với nông dân và giữa nông dân với doanh nghiệp để nâng cao giá trị nông sản |
Ông Nguyễn Đức Quang, Phó Chủ nhiệm Tổ hợp tác trồng chuối xã Thanh Bình (Đồng Nai) nhận định, nước ta có rất nhiều lợi thế để phát triển nông sản. Tuy nhiên, chính việc canh tác theo kiểu mạnh ai nấy làm đã khiến lợi thế phát triển nông sản ở nhiều địa phương không được phát huy. Để các loại rau củ quả có triển vọng xuất khẩu với giá trị cao hơn, vấn đề mấu chốt là phải tìm được tiếng nói chung giữa những người nông dân, sau đó liên kết với doanh nghiệp để tránh phụ thuộc đầu ra. Nếu không vòng luẩn quẩn được mùa mất giá, được giá mất mùa không biết đến bao giờ.
Tiêu rớt giá, chuối được mùa
Vốn được coi là mặt hàng “vàng đen” nhờ đem lại hiệu quả kinh tế cao, song suốt thời gian qua, đặc biệt là những tháng đầu năm nay, giá hồ tiêu lại liên tục “tuột dốc không phanh”.
Theo Bộ NN&PTNT, khối lượng XK tiêu tháng 3 ước đạt 24 nghìn tấn với giá trị đạt 88 triệu USD, đưa khối lượng XK tiêu 3 tháng đầu năm ước đạt 54 nghìn tấn và 203 triệu USD, tăng 5,5% về khối lượng nhưng giảm 37,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Đáng chú ý, giá tiêu XK bình quân 2 tháng đầu năm chỉ đạt 3.822 USD/tấn, giảm tới 44,7% so với cùng kỳ năm 2017. Các thị trường XK tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Pakistan và Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất với 43,5% thị phần.
Tương đồng với XK, giá hồ tiêu tại thị trường trong nước cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể. Trong quý đầu tiên của năm, giá hồ tiêu có xu hướng giảm với mức giảm là 17.000-19.000 đ/kg so với thời điểm cuối năm 2017.
Hiện nay, giá tiêu tại Đắc Lắk – Đắc Nông, Gia Lai là 53.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Đồng Nai là 54.000 đồng/kg. So cùng kỳ năm trước, mức giá bán nêu trên chỉ bằng một nửa và bằng 1/4 giá giữa năm 2016. Và mức giá này cũng ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây khiến người trồng tiêu không khỏi ngán ngẩm
Trái ngược với tiêu, năm nay, người trồng chuối tại nhiều địa phương lại hoan hỉ vì giá chuối tăng cao. Đồng Nai là địa phương được đánh giá có diện tích chuối lớn ở nước ta. Nếu như những năm trước, giá chuối rơi ở mức chạm đáy 1000-1.500 đồng/kg thì năm nay, giá chuối tại đây đã dao động ở mức 15.000-18.000 đồng/kg. Không chỉ chuối ở Đồng Nai mà chuối ở các tỉnh phía Bắc cũng tăng và dao động ở mức 10.000-15.000 đồng/kg.
Sự đối lập giữa giá tiêu và giá chuối thời gian qua đã khiến nhiều người trồng tiêu khóc ròng. Tình trạng hàng loạt vườn tiêu đang xanh mướt bị chặt bỏ đã xảy ra không ít.
Bài học nhãn tiền
Ông Lưu Chí Mười, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, cho biết do năm nay, giá chuối tăng cao nên vụ mùa tới, diện tích tiêu của xã có thể sẽ giảm trên 100 ha, thay vào đó sẽ là diện tích chuối già cấy mô.
Trong khi đó, nhiều người dân đang trồng cây chuối cũng ồ ạt mở rộng diện tích chuối già hương khiến tình trạng diện tích chuối gia tăng đột biến. Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh có khoảng 7.000 ha diện tích trồng chuối, trong đó diện tích trồng chuối già hương chiếm khoảng 45%. Riêng huyện Trảng Bom, diện tích trồng chuối năm nay đạt 414 ha, tăng 132 ha so với cùng kì năm trước.
Điều đặc biệt quan tâm là diện tích chuối của địa phương chủ yếu xuất sang Trung Quốc, một thị trường dễ tính nhưng đầy biến động khó lường vì quá trình thu mua chủ yếu thông qua thương lái.
Theo các chuyên gia, sở dĩ những năm trước, nông dân thua lỗ nặng do chuối đồng loạt đến kỳ thu hoạch, nhưng thị trường Trung Quốc lại đột ngột ngừng mua, hoặc mua một cách nhỏ giọt khiến chuối bị ứ đọng không thể tiêu thụ thậm chí địa phương phải nhờ doanh nghiệp giải cứu. Còn năm nay, giá chuối tăng cao là do tại Trung Quốc có lượng hàng khan hiếm, nên phải gia tăng gom hàng Việt, cộng với nguồn chuối xuất khẩu bị thiếu hàng, nhiều thương lái đẩy giá để thu gom cho đủ chuyến. Người nông dân nếu không tỉnh táo và thận trọng sẽ lại khóc ròng vì tình trạng dư cung vì tháng 8, tháng 9 cũng là lúc Trung Quốc thu hoạch chuối.
Sự phụ thuộc đầu ra vào thị trường Trung Quốc là bài học xương máu nhưng dường như người nông dân vẫn chưa tỉnh táo. Thay vì cẩn trọng giữ hoặc giảm diện tích, tìm đầu ra ổn định thì nông dân bất chấp rủi ro, cố gắng mở rộng diện tích trồng chuối dù không có gì đảm bảo thị trường chuối sẽ tiếp tục sôi động hay không.
Tuy nhiên điều có thể dễ dàng nhìn thấy là nếu người dân cứ đổ xô trồng chuối, tình trạng cung vượt cầu sẽ là điều tất yếu. Và khi đó, thị trường Trung Quốc ngừng thu mua thì không biết tiêu thụ chỗ nào cho hết, hay lúc đó lại cầu cứu chính quyền và doanh nghiệp.
Như Yến