![]() |
Cần Thơ đang đẩy mạnh cơ giới hóa để nâng cao hiệu quả canh tác lúa |
Đẩy mạnh cơ giới hóa
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người trồng lúa, những năm qua, Tp.Cần Thơ đã đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn nông dân trên địa bàn sử dụng giống xác nhận để tiết kiệm giống, đảm bảo mật độ cấy lúa tiêu chuẩn.
Việc sử dụng giống xác nhận không chỉ để nâng cao hiệu quả, giảm chi phí mà còn còn tạo tiền để giúp nông dân trên địa bàn Tp.Cần Thơ áp dụng đồng bộ các gói kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”... theo hướng hiện đại hóa gắn với ATLĐ, đảm bảo hiệu quả bền vững.
Các giải pháp được thực hiện đồng bộ, với sự tham gia, phối hợp nhịp nhàng từ các địa phương, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác… đang từng bước giúp nông dân thay đổi thói quen gieo lúa bằng tay và sử dụng lượng giống quá nhiều, làm tăng chi phí, thay vào đó là phương thức sản xuất hiện đại, giàu khoa học – kỹ thuật, đảm bảo ATLĐ.
Bên cạnh áp dụng các gói kỹ thuật tiên tiến, ngành nông nghiệp Tp.Cần Thơ tích cực khuyến khích, hỗ trợ nông dân đưa các máy móc cơ giới vào đồng ruộng gieo cấy lúa và thực hiện các khâu sản xuất khác.
Theo số liệu thống kê, toàn thành phố hiện có 789 máy gặt đập liên hợp và 1.300 lò sấy, đáp ứng cắt gặt trên 92% diện tích lúa đông xuân; 98% diện tích lúa hè thu và 100% diện tích lúa thu đông; khâu cắt gặt đã được cơ giới hóa hoàn toàn. Tỷ lệ diện tích áp dụng cơ giới hóa khâu chăm sóc bón phân, phun thuốc trừ sâu, bệnh… đạt từ 50-60%.
![]() |
Cơ giới hóa sẽ được gắn với sản xuất an toàn, ATLĐ |
Chú trọng ATLĐ
Thông qua Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững được triển khai ở Tp. Cần Thơ (Dự án VnSAT Cần Thơ), từ năm 2016, thành phố cũng triển khai nhiều hoạt động đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, giúp nông dân xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả theo hướng hiện đại gắn với ATLĐ.
Cụ thể, VnSAT đã hỗ trợ nông dân trồng lúa tại nhiều HTX, tổ hợp tác và một số “cánh đồng lớn”, thực hiện tiết kiệm giống hiệu quả bằng nhiều phương thức xuống giống khác nhau: sạ bằng dụng cụ kéo hàng, máy phun hạt, máy cấy.
Kết quả, tại nhiều mô hình cho thấy, dù mật độ gieo sạ thấp từ 40-130kg/ha, tuy nhiên, lợi nhuận trong mô hình cấy (sử dụng 40kg giống/ha), sạ hàng (100kg/ha), máy phun (130kg/ha) đạt trung bình 32,8-49,1 triệu đồng/ha, cao hơn so với sạ tay (150kg/ha) 3,7-16,3 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Văn Thuần, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Phát, cho biết toàn HTX đang sản xuất 31ha lúa, với 31 thành viên. Nhiều năm trước, sạ hàng và sạ tay tốn 12 triệu đồng/ha (vừa giống và công thuê sạ).
Vụ đông xuân năm 2019 - 2020, được ngành nông nghiệp Cần Thơ chọn HTX làm mô hình trình diễn máy cấy đã giúp giảm lượng giống gieo sạ gần phân nửa so với trước đây. Như vậy, HTX tiết kiệm 4 triệu đồng/ha/vụ trong khâu giống và thuê nhân công.
Sắp tới, HTX sẽ áp dụng máy cấy trong gieo sạ, đồng thời tham gia tập huấn SRP và tiến đến thực hiện trồng lúa theo VietGAP để thuận lợi cho việc xuất khẩu.
“Việc đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng kỹ thuật mới không chỉ giúp nông dân giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, mà còn giảm công lao động, đảm bảo ATLĐ, mở ra hướng phát triển lâu dài, bền vững”, ông Nguyễn Văn Thuần nhấn mạnh.
Thời gian tới, Tp. Cần Thơ dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh các mô hình sản xuất lúa theo hướng hiện đại gắn với ATLĐ, đồng thời cập nhật, cung cấp kịp thời các thông tin về máy cấy, hiệu quả đầu tư máy cấy, cách thức tham gia làm dịch vụ cấy máy... để nông dân tự tin áp dụng vào việc sản xuất.
Phượng Vỹ