![]() |
Củ cải đang là cây thế mạnh tại Đầm Hà |
Phát huy thế mạnh
Củ cải là một trong những loại rau màu truyền thống của người dân huyện Đầm Hà, phát triển mạnh tại các xã Đầm Hà, Đại Bình, Quảng Lợi, Tân Lập, Quảng An, Quảng Lâm… Củ cải được chế biến thành những sản phẩm củ cải phên, củ cải khô để sử dụng trong gia đình.
Sau khi trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh, được tổ chức quảng bá mạnh, sản phẩm củ cải khô và củ cải phên Đầm Hà đã được nhiều người tiêu dùng biết đến, tìm mua.
Hiện tại, giống củ cải được các hộ dân Đầm Hà trồng 2 vụ/năm. Thời gian trồng từ tháng 7-10 và gối vụ từ tháng 10-12 âm lịch hằng năm.
Kể từ năm 2016, trung bình mỗi vụ, diện tích trồng củ cải ở huyện đạt khoảng 100 ha. Trong đó, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Trường Sơn đã liên kết với 20 hộ của xã Quảng Lợi trồng khoảng 5ha/vụ.
Những hộ tham gia liên kết với HTX để phát triển mô hình trồng củ cải phải ký cam kết sản xuất an toàn, đảm bảo ATLĐ, vệ sinh thực phẩm. Ngược lại đầu ra sản phẩm sẽ được HTX đến tận ruộng thu mua giúp bà con với giá bình quân 3.000 đồng/kg củ tươi.
Theo UBND huyện Đầm Hà, hiện trên địa bàn huyện có 2 HTX sản xuất, chế biến sản phẩm củ cải khô và củ cải phên. Huyện đã tích cực hỗ trợ các đơn vị này từ xây dựng nhãn hiệu đến kinh phí nhằm xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm theo chương trình OCOP của tỉnh.
Diện tích trồng cây cải củ tăng từng năm và dần trở thành cây chủ lực của địa phương. Trước đây, các sản phẩm củ cải khô và củ cải phên làm ra chủ yếu được tiêu thụ trong huyện, nay đã vươn tới cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn và người tiêu dùng các địa phương Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả…
![]() |
Củ cải Đầm Hà đang được thị trường ưa chuộng |
Nâng cao công nghệ
Để nâng cao hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững, các mô hình trồng củ cải trên địa bàn huyện Đầm Hà đang đẩy mạnh cơ giới hóa gắn với ATLĐ, đồng thời tăng cường liên kết, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để nâng sức cạnh tranh.
Ông Ty Văn Bích - Giám đốc HTX Trường Sơn, cho biết: “Từ tháng 9/2017, chúng tôi đã phối hợp thực hiện lắp đặt, đưa vào sử dụng dây chuyền chế biến củ cải ăn liền, tổng vốn đầu tư trên 1,4 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh 300 triệu đồng, ngân sách huyện 100 triệu đồng và trên 1 tỷ đồng vốn đối ứng của doanh nghiệp”.
Không chỉ nâng cao chất lượng, công nghệ hiện đại giúp HTX giảm công lao động và đặc biệt là đảm bảo ATLĐ cho thành viên. Điển hình, người lao động HTX không phải tham gia vào các công đoạn tiềm ẩn nguy cơ mất ATLĐ như thái lát, thái sợi củ cải…
Cùng với quá trình cơ giới hóa, thành viên HTX được tham gia tập huấn, nâng cao kỹ thuật sử dụng máy móc an toàn, đồng thời được trang bị các kiến thức về ATLĐ, cách xử lý trong các trường hợp phát sinh sự cố hỏng hóc, giảm thiểu khả năng xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Ngoài sản xuất sản phẩm củ cải ăn liền, dây chuyền chế biến củ cải còn có thể sản xuất các sản phẩm củ cải khô, củ cải phên. Hiện tại, giá bán củ cải phên dao động ở mức 40-50 nghìn đồng/kg; củ cải khô 140 nghìn đồng/kg; củ cải ăn liền 100 nghìn đồng/kg.
Rõ ràng, việc đưa dây chuyền công nghệ chế biến củ cải ăn liền vào sản xuất tại Đầm Hà đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm củ cải - sản phẩm OCOP của địa phương, tạo thêm sản phẩm mới có giá trị dinh dưỡng cao, mở ra hướng phát triển sản xuất an toàn, bền vững.
Trong thời gian tới, huyện Đầm Hà dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển mô hình sản xuất củ cải theo chuỗi gắn với sản xuất an toàn, ATLĐ, đồng thời đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm để nâng tầm thương hiệu củ cải Đầm Hà.
Mộc Miên