Liên quan đến việc Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày, trong lưu ý mới nhất hôm 14/4 từ chuyên gia thị trường tôm của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) có cho rằng, đây là thời gian để doanh nghiệp (DN) củng cố năng lực và thích ứng.
Chuẩn bị dài hơi để thích ứng
Mặc dù các DN xuất khẩu (XK) tôm tạm thở phào, tuy nhiên khoảng lặng này không đồng nghĩa với sự an toàn tuyệt đối, mà là thời gian để tái cơ cấu chiến lược và chuẩn bị ứng phó với những kịch bản khó lường phía trước.
![]() |
DN Việt cần am hiểu sâu sắc các xu hướng mới hiện nay khi mà đang có sự thay đổi quá nhanh của người tiêu dùng. |
Thực tế, theo chuyên gia thị trường tôm của Vasep, các rủi ro vẫn tiềm ẩn và nguy cơ về phòng vệ thương mại vẫn còn hiện hữu. Sức ép về chi phí, kỹ thuật và thị trường là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh nội khối gia tăng và thị trường Mỹ dần thu hẹp.
Không riêng gì mối lo cho các DN xuất khẩu tôm, nhận định mới đây từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán ABS cho rằng mặc dù PMI (Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng) đã quay lại mức tăng trưởng, tuy nhiên mức độ lạc quan của các nhà sản xuất về triển vọng sản lượng trong 12 tháng tới lại ở mức thấp.
Điều này cho thấy cho thấy sự thận trọng của các DN Việt trong bối cảnh các rủi ro bên ngoài vẫn hiện hữu, nhất là biến động thuế quan, xung đột thương mại leo thang, chi phí logistics tăng cao, và biến động tỷ giá. Biên độ biến động của PMI ở mức khá cao càng thể hiện nền kinh tế dễ chịu ảnh hưởng lớn từ tác động bên ngoài.
Theo ABS, việc Hoa Kỳ và Việt Nam đang cân nhắc đàm phán về một thỏa thuận thương mại mới, nhằm loại bỏ các rào cản phi thuế quan và tăng cường quan hệ kinh tế song phương, đã mang lại sự an tâm phần nào cho các DN đang xuất nhập khẩu tại Việt Nam. Tuy nhiên, sự không chắc chắn về chính sách thuế quan có thể khiến các nhà sản xuất thận trọng hơn trong giai đoạn sắp tới.
Còn theo Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán MBS, ngành sản xuất có dấu hiệu khởi sắc hơn với chỉ số PMI tăng lên trên ngưỡng 50 điểm lần đầu tiên trong bốn tháng trở lại đây khi đạt 50.5 điểm trong tháng 3/2025 nhờ số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại sau chuỗi 2 tháng giảm. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng của số lượng đơn đặt hàng mới chỉ ở mức khiêm tốn.
Ngoài ra, phía MBS lưu ý các lo ngại về sự bất ổn và không chắc chắn của thị trường toàn cầu đã khiến các DN ngần ngại hơn trong hoạt động tuyển dụng cũng như mua thêm hàng hóa đầu vào.
“Tâm lý của các DN nhìn chung vẫn khá lạc quan khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng và hy vọng nhu cầu khách hàng sẽ dần phục hồi. Tuy nhiên, mức độ lạc quan vẫn ở dưới mức trung bình do những lo ngại về sự bất ổn của nền kinh tế thế giới”, Bộ phận phân tích của MBS nhận định.
Trước những rủi ro bên ngoài như vậy, giới chuyên gia cho rằng điều mà các DN Việt cần làm trong lúc này là chọn con đường nâng tầm để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo được sức cạnh tranh dài hạn ở thị trường toàn cầu và thị trường nội địa. Đặc biệt là phải biết cách xây dựng các chiến lược cân bằng nhằm có khả năng điều hướng giai đoạn này thành công hơn.
Như chia sẻ của bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm, các DN bước vào giai đoạn điều chỉnh chiến lược, củng cố nội lực và tái cấu trúc hoạt động. Các DN cần chủ động giảm giá thành sản phẩm. Cụ thể là rà soát toàn bộ chi phí đầu vào, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi – vốn chiếm 60-70% giá thành. Tận dụng cơ hội hợp tác với các DN trong nước để phát triển nguồn vật tư nội địa.
Bà Thu cũng có lời khuyên cho các DN xuất khẩu tôm nên củng cố nội lực – xây dựng chiến lược dài hạn. Tức là không chỉ “chống đỡ” trước rủi ro ngắn hạn, mà cần chuẩn bị dài hơi để thích ứng với một trật tự thương mại mới, mà chủ nghĩa bảo hộ đang được nhiều nước áp dụng.
Biết cách tạo lợi thế cạnh tranh
Còn riêng với thị trường nội địa, theo ông Phạm Trọng Chinh, chuyên gia về phân phối và tiếp thị thương mại, các DN Việt đang đối mặt với áp lực cạnh tranh gia tăng ngay tại thị trường trong nước trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung.
“Những áp lực này cộng hưởng những thách thức vốn có trên thị trường hiện nay sẽ làm cho sự cạnh tranh càng trở nên khốc liệt, buộc các DN Việt phải ứng phó và biết cách ứng phó kịp thời”, ông Chinh nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này chỉ rõ kênh bán hàng của các DN phải nhận thức, am hiểu sâu sắc các xu hướng mới hiện nay khi mà đang có sự thay đổi quá nhanh của người tiêu dùng, người mua hàng. Không chỉ vậy, một trong những yếu tố chiến lược, quyết định đến lợi thế cạnh tranh mà DN Việt cần hướng đến trong thời gian tới chính là Trí tuệ nhân tạo (AI).
Xét riêng về AI, trong trung tuần tháng 4/2025, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp.HCM (ITPC) đã phối hợp cùng Hội DN Cơ khí - Điện Tp.HCM (HAMEE) cũng đã tổ chức một chương trình tập huấn cho các DN ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm.
Theo bà Hồ Thị Quyên, Phó giám đốc ITPC, thông qua việc tập huấn này sẽ giúp gia tăng sức cạnh tranh cho DN trên thị trường trong bối cảnh hiện nay, từ việc cải thiện trải nghiệm người dùng cho đến tối ưu hóa quy trình quản lý chuỗi cung ứng, xây dựng chiến lược marketing hiệu quả hơn…
Bên cạnh việc ứng dụng AI, chuyên gia Phạm Trọng Chinh có lời khuyên cho các DN nên thích ứng để nâng cao hiệu quả của chuỗi giá trị khi mà khách hàng trong chuỗi giá trị thay đổi, đa dạng sự lựa chọn. Các DN phải tiên đoán và thích nghi kịp thời hơn trước áp lực từ việc người tiêu dùng thay đổi về nhận thức, hành vi nhanh và phức tạp hơn.
Không chỉ vậy, như lưu ý của ông Chinh, khi các đối thủ ngày càng sáng tạo hơn, đồng thời xuất hiện nhiều đối thủ mới giàu tiềm năng có thể thay đổi căn bản ngành hàng mà DN Việt đang kinh doanh. Cuối cùng, sự tiến bộ quá nhanh của công nghệ đã và đang tạo ra những xu hướng không thể đảo ngược của xã hội và ngay trong từng ngành hàng. Đây là điều mà các DN cần hết sức lưu tâm.
Do đó, vị chuyên gia này mong rằng các DN Việt nên có những sáng tạo trong bối cảnh thương chiến leo thang và những rủi ro từ bên ngoài. Đó là sáng tạo về thương hiệu, thương mại, con người, cho đến sáng tạo về hệ thống (gồm các giải pháp liên quan đến xây dựng và nâng cấp hệ thống quản lý DN, sản xuất và phân phối).
Thế Vinh