Cách đây không lâu, tại một buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ, cho biết ở tỉnh này có 36.742ha diện tích đất trồng trái cây và rau quả. Trong đó, riêng diện tích đất trồng quả xoài là hơn 10.000ha với chất lượng quả rất tốt, thế nhưng địa phương lại chưa có một nhà máy chế biến hay hệ thống kho đủ chất lượng.
Dấu hỏi năng lực chế biến
“Cho nên, điểm yếu của rau quả Đồng Nai là ở khâu chế biến và logistics dù rất mạnh về chất lượng quả. Vì vậy, rất cần phát triển một chuỗi giá trị ngành rau củ quả cho tỉnh trên nền tảng logistics”, ông Thành nói.
Nếu nhìn ra thị trường thế giới sẽ thấy riêng ở phân khúc tiêu thụ rau quả chế biến hiện đã vào khoảng hơn 350 tỷ USD/năm, còn với rau quả tươi là hơn 600 tỷ USD/năm. Điều này càng khẳng định về triển vọng rất lớn cho xuất khẩu (XK) rau quả, trong đó có rau quả chế biến.
Trong khi đó, tại Việt Nam hiện nay chỉ có 150 nhà máy chế biến rau quả. Trong tổng sản lượng rau quả hàng năm của cả nước vào khoảng 26 triệu tấn thì số nhà máy này chỉ đủ sức chế biến khoảng 1 triệu tấn, với 25 triệu tấn còn lại đang đặt ra nhiều vấn đề về năng lực chế biến khi mà tình trạng giải cứu rau quả diễn ra thường xuyên.
Trở lại vấn đề ở Đồng Nai – địa phương được ví như một trong những thủ phủ của ngành rau quả Việt, cũng là địa bàn có vị trí quan trọng từ việc kề cận Tp.HCM cho đến việc dễ dàng tiếp cận nguồn nguyên liệu từ các tỉnh khác vốn có thế mạnh về rau quả như Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Thuận…
Vì vậy, theo ông Lê Thành, tỉnh này nên sớm có nhà máy chế biến rau quả quy mô lớn cũng như hệ thống kho lạnh hiện đại để có thể trở thành thủ phủ về chế biến và logistics của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trong vấn đề đầu tư nhà máy chế biến rau quả, trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này ở trong nước còn quá khiêm tốn nên dẫn đến công nghệ chế biến chưa được sâu để có thể tăng giá trị XK rau quả.
“Nếu chúng ta cứ bán thô thì chỉ bán được 1 đồng, nhưng nếu từ nguyên liệu 1 đồng đó chế biến ra những sản phẩm khác thì có thể bán đến 5 – 10 đồng. Như vậy sẽ tăng giá trị cho ngành hàng rau quả, nông dân sẽ có lợi mà doanh nghiệp (DN) cũng có lợi”, ông Nguyên nêu vấn đề.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thực ra số lượng DN lớn rót vốn vào lĩnh vực chế biến rau quả vẫn chưa thực sự nhiều nếu so với “độ nóng” của XK rau quả hiện nay, khi mà năm ngoái đã đạt kim ngạch đến 3,8 tỷ USD, chỉ đứng sau thủy sản trong tổng kim ngạch XK nông lâm thủy sản.
![]() |
Nâng nội lực, hút dòng vốn ngoại
Khâu bảo quản và chế biến sâu trái cây của Việt Nam được cho là vẫn còn đứng sau khá xa so với một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Philippines…, nhất là về công nghệ, từ kỹ thuật trồng trọt, thu hoạch cho năng suất cao đến khả năng chế biến.
Đơn cử như quả măng cụt, nếu như ở Việt Nam chỉ có thể bán quả tươi, còn ở Thái Lan có thể chế biến ra rất nhiều sản phẩm khác. Chẳng hạn vỏ măng cụt có thể sấy khô rồi nghiền thành bột để chế ra dược phẩm.
Về việc đầu tư nhà máy chế biến rau quả có quy mô lớn và công nghệ chế biến sâu ở các địa phương, điều khiến nhiều DN còn băn khoăn là thiếu quỹ đất sạch để xây dựng nhà máy cũng như lo ngại thiếu chính sách ưu đãi thuế. DN cũng lo về hạ tầng giao thông kém thuận lợi khi đường sá, cầu cảng chưa liên thông với nhà máy.
Được biết, hàng năm riêng nguồn cung trái cây của cả nước là trên 10 triệu tấn. Trong khi đó, do năng lực chế biến thấp nên XK trái cây chỉ vào khoảng 1 – 1,5 triệu tấn/năm, số còn lại thực chất là không XK được, phải tiêu thụ ở thị trường trong nước với giá trị thấp.
Năng lực nội địa của các DN trong lĩnh vực chế biến rau quả như hiện nay là chưa thể đáp ứng nhu cầu. Cho nên, như chia sẻ của ông Đặng Phúc Nguyên, lĩnh vực chế biến rau quả vừa cần phải phát triển nội lực, vừa nên mời gọi thêm từ các nhà đầu tư ngoại để có thể có được những công nghệ chế biến mới. Đó là con đường nhanh nhất để ngành rau quả Việt phát triển lên một tầm cao hơn.
Tuy nhiên, vấn đề còn nằm ở chỗ do việc đầu tư vào công nghệ chế biến rau quả được cho là chậm thu hồi vốn, nên khá nhiều nhà đầu tư còn tỏ ra phân vân.
Mặt khác, cần phải nhìn nhận là dù cả nước đã lập khá nhiều khu công nghiệp nhưng việc hình thành một khu công nghiệp chuyên biệt về chế biến rau quả chưa được lưu tâm nhiều.
Theo ông Nguyên, nhất thiết cần phải có chính sách ưu đãi để trước mắt lập ra những khu công nghiệp chế biến rau quả nhằm có thể phục vụ cho các vùng miền có thế mạnh về rau quả như vùng Đông Nam bộ hay Đồng bằng sông Cửu Long. Rồi sau đó, nếu thấy hiệu quả thì ở một vài địa phương có thể phát triển ra khu công nghiệp riêng cho lĩnh vực đầy triển vọng này.
Thế Vinh