Những thay đổi phải kể tới là quá trình sản xuất, đẩy mạnh liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp (DN), đầu tư máy móc chế biến sâu, xây dựng thương hiệu…
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2018, kim ngạch XK mặt hàng rau quả đạt 383,7 triệu USD, tăng 18,3% so với tháng trước, tăng 63,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Lo chinh phục thị trường khó tính
XK hàng rau quả của Việt Nam sang các thị trường chính đều tăng mạnh. Trong đó, kim ngạch XK sang thị trường Trung Quốc đạt 296,3 triệu USD, tăng 21,1% so với tháng trước, tăng 68,6% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm tới 77,2% tổng kim ngạch XK hàng rau, hoa quả của Việt Nam.
Ngoài thị trường Trung Quốc, Việt Nam còn XK hàng rau quả tới một số thị trường khác trong tháng 1/2018 như: Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia… Trong đó, đáng chú ý là kim ngạch XK hàng rau quả sang thị trường Nhật Bản đạt 10,6 triệu USD, tăng nhẹ so với tháng trước và tăng tới 77,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo số liệu thống kê từ Trademap (Trung tâm Thương mại Quốc tế – ITC), năm 2017, trị giá nhập khẩu mặt hàng rau quả của Nhật Bản đạt 9,5 tỷ USD, tăng 2% so với năm 2016. Tuy nhiên, trị giá nhập khẩu hàng rau quả từ Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với nhu cầu nhập khẩu tại Nhật Bản, đạt 132,5 triệu USD trong năm 2017, tăng 5,2% so với năm 2016. Vì vậy, DN XK hàng rau hoa quả cần nắm bắt cơ hội và đẩy mạnh XK rau quả sang Nhật Bản trong thời gian tới.
Hiện, Việt Nam đã XK được: Thanh long ruột đỏ, xoài, vải thiều, lá tía tô, mùi tây… sang thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, Nhật Bản là thị trường có yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn và chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo các chuyên gia, để đẩy mạnh XK hàng rau quả sang Nhật Bản, các DN XK của Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe như yêu cầu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, hay trong quy trình sản xuất, DN phải có vùng nguyên liệu được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng và được sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm.
![]() |
Tháng 1/2018, kim ngạch XK mặt hàng rau quả đạt 383,7 triệu USD, tăng 18,3% so với tháng trước, tăng 63,6% so với cùng kỳ năm 2017.
“Đáp ứng được những yêu cầu từ phía Nhật Bản, hàng rau quả của Việt Nam không chỉ XK sang thị trường này mà còn sang nhiều quốc gia khó tính khác”, vị chuyên gia này cho biết.
Liên quan tới vấn đề chất lượng, “Vua chuối” Võ Quang Huy, Giám đốc công ty TNHH Huy Long An, từng cho rằng XK rau quả không hề dễ, đặc biệt là các thị trường tiềm năng lớn và khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc. Để họ chịu đặt bút ký hợp đồng, một trang trại phải trải qua nhiều đợt kiểm tra, đánh giá, đảm bảo quy trình trồng và thu hoạch theo đúng yêu cầu họ đề ra.
Vậy, làm thế nào để có được trái cây sạch. Ông Huy cho rằng vấn đề hiện nay là nông dân trồng nhưng vẫn không định lượng được thị trường, không định vị rõ sản phẩm của mình bán cho ai, bán vào lúc nào, bên kia mua nhiều hay mua ít?
“Dân mình cứ lao vào trồng với kỳ vọng XK, nhưng lại không áp dụng công nghệ kỹ thuật hợp lý, không chú trọng đầu tư tính toán cả về liệu trình, cuối cùng không đủ chất lượng XK, thị trường trong nước dẫn đến dư thừa”, ông Huy nói.
Để rau quả Việt đứng vững chân và phát triển thị phần trong các thị trường không phải đơn giản, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) khuyến nghị yếu tố cốt lõi vẫn phải là gia tăng chất lượng sản phẩm và công tác xúc tiến thương mại cho rau quả Việt, đặc biệt là cập nhật kịp thời các thông tin nhu cầu và tiêu chuẩn về sản phẩm nhập khẩu của từng thị trường.
Với thị trường Trung Quốc, theo VEPR, cần tập trung vào cải thiện chất lượng sản phẩm. Nếu không đảm bảo về chất lượng, chúng ta sẽ khó tránh khỏi các cuộc khủng hoảng dư thừa như đã diễn ra đối với mặt hàng thịt lợn.
Từ thực tế sản lượng trái cây tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên qua các năm đều tăng nhưng đầu ra sản phẩm vô cùng khó khăn, ông Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc công ty Sản xuất Thương mại Nông sản thực phẩm Trí Việt, cho rằng đây là nghịch lý bởi nhu cầu của thị trường về trái cây tươi và trái cây chế biến vẫn rất cao; các nhà nhập khẩu nước ngoài sẵn sàng nhập các sản phẩm rau, củ, quả Việt Nam nếu đáp ứng các tiêu chí về an toàn thực phẩm.
Kém cạnh tranh vì thiếu lợi thế
Bên cạnh đó, hiện nay, hơn 80% sản lượng trái cây Việt Nam vẫn chủ yếu được tiêu thụ ở thị trường trong nước, chủ yếu ở dạng quả tươi. Trong đó, 90% được tiêu thụ ở các chợ truyền thống. Trong khi các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng trái cây cao cấp mới chỉ chiếm 10% lượng trái cây tiêu thụ nội địa.
Đồng thời, ước tính nếu đầu tư chế biến sâu sẽ giúp nâng cao giá trị của nông sản Việt Nam. Ví dụ, để chế biến được 1 tấn bột thanh long phải cần đến hàng nghìn tấn thanh long tươi. Như vậy, sức tiêu thụ sản phẩm cho nông dân tăng gấp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần.
Ông Nguyễn Hữu Đạt, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhấn mạnh năm 2018, các DN cần cố gắng cải thiện hơn nữa vấn đề chất lượng trái cây, an toàn thực phẩm để có mức giá tại các thị trường truyền thống được cao hơn, từ đó tăng kim ngạch XK. Đồng thời, cần chuyển đổi đầu tư vào chế biến, đây là giải pháp giúp ổn định hàng hóa, có quanh năm và bán được giá trị cao hơn.
Ông Đạt kiến nghị Nhà nước nên có chính sách cho DN vay ưu đãi để có thể mua hệ thống chế biến hiện đại đủ đáp ứng tiêu chuẩn trái cây XK là cần thiết nhưng phải có một hội đồng tư vấn để thống nhất đầu tư vào khâu nào chứ không thể đầu tư đại trà.
Cùng với đó, một trong những lý do khiến nhiều nước e ngại nhập khẩu trái cây Việt Nam là giá thành cao hơn so với các thị trường khác.
Ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, chia sẻ Nhật Bản rất thích ăn xoài Việt Nam vì độ ngọt cao. Nếu so sánh, xoài Việt đạt độ ngọt 20%, xoài Nhật Bản chỉ có độ ngọt từ 12 – 15%.
Tuy nhiên, giá xoài Việt Nam hiện cao hơn xoài Thái một phần vì khâu vận chuyển, dù gần hơn một số nước trong khu vực nhưng giá vận chuyển cao nên đẩy giá thành lên cao, trong khi đó, thời gian bảo quản lại rất ngắn. Dẫn tới dù quan tâm nhưng các nhà nhập khẩu Nhật Bản ưu tiên nhập khẩu xoài Thái hơn.
Hay ở thị trường Trung Quốc, các Tham tán Thương mại cũng cho biết hoa quả Việt Nam gặp sự cạnh tranh gay gắt với hoa quả Thái Lan, Đài Loan, trong khi họ đang có lợi thế là làm công tác xúc tiến thương mại, xây dựng hình ảnh thương hiệu, sản phẩm chế biến đa dạng hơn Việt Nam.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Hữu Đạt - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Để trụ vững ở các thị trường lớn và khó tính, DN XK cần chủ động liên kết với nhau, không chỉ có chiến dịch quảng bá phù hợp mà là tập hợp đủ sức mạnh, từng bước tiến vào khâu phân phối tại chính thị trường nhập khẩu, bảo vệ và tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa tại Việt Nam. Ông Trần Hoài Nam - Trưởng Phòng Kinh doanh Rickermann Việt Nam Một trong những thách thức mà ngành công nghiệp chế biến trái cây đang đối mặt là công nghệ chế biến chưa đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm tạo ra giá trị bền vững. Do vậy, DN cần thay đổi và áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, áp dụng nguyên liệu mới, đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến nhằm tăng tính hiệu quả và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ông Đào Thế Anh - Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây Thực phẩm
Năm 2018, dự báo thị trường vẫn có những tín hiệu rất tốt cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là các mặt hàng rau quả… Vấn đề quan trọng là ngành nông nghiệp cần cương quyết chuyển sang sản xuất chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Có như vậy, nông sản Việt mới có thể tiếp cận được đa dạng thị trường, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản XK. |