Đó là những chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị “Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19” tổ chức vào chiều 12/3.
Sẽ mất thị trường nếu không giỏi ứng biến
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định, đại dịch Covid-19 đang đe dọa kinh tế thế giới, tác động đến mọi quốc gia. Thiệt hại ở mỗi quốc gia là nhiều hay ít, đến giờ này chưa lường hết được. Ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải chịu ảnh hưởng tiêu cực do hiệu ứng của đại dịch Covid-19 gây ra và chịu nhiều thách thức ngoài dịch Covid-19.
![]() |
Hội nghị “Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19” do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 12/3 |
Một là, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL ảnh hưởng tới ngành trồng trọt và nuôi trồng thủy sản.
Hai là, dịch tả lợn châu Phi tuy có giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn nên vẫn gây khó khăn cho công tác tái đàn; cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát tại Việt Nam khi tổng đàn gia cầm hiện nay đang rất lớn.
Ba là, thị trường nhiều mặt hàng nông sản vẫn có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nước lớn.
Bốn là, “thẻ vàng” xuất khẩu thủy sản khai thác biển do Ủy ban châu Âu đưa ra chưa được gỡ bỏ.
Năm là, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản hàng hóa của Việt Nam.
Ngành nông nghiệp có nhiệm vụ đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại để phục vụ tăng trưởng kinh tế. “Ngành khác có thể gián đoạn ở thời điểm này, nhưng với ngành nông nghiệp thì phải tạo ra lương thực, thực phẩm cho con người. Vào viện cũng phải ăn, nghỉ ở nhà cũng phải ăn. Cho nên ngành nông nghiệp không hề được nghỉ. Với một đất nước cả trăm triệu dân, với ngần ấy thách thức, chúng ta phải nỗ lực hơn nữa. Một năm, chúng ta xuất khẩu 41 tỷ USD, nếu năm nay bị mất nguồn cung, thì còn đối mặt nguy cơ mất thị trường nếu không giỏi ứng biến”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch của Bộ NN&PTNT cho biết, một số cây ăn quả chủ lực đang thu hoạch (thanh long, chôm chôm, cam), một số loại đang thời kỳ ra hoa (vải, nhãn, xoài,..) với tỷ lệ ra hoa – đậu quả đạt khá cao, khoảng 95%. Ngành thủy sản vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, tổng sản lượng thủy sản trong 2 tháng đầu năm đạt 1,02 triệu tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái (sản lượng khai thác đạt 504 nghìn tấn, tăng 3,4%; nuôi trồng ước đạt 513,6 nghìn tấn, tăng 3,7%).
Trong 2 tháng đầu năm, mặc dù chịu tác động khá mạnh bởi dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu của ngành vẫn đạt 5,34 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản 4,3 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2019. Thặng dư thương mại của ngành 2 tháng đạt 1,02 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2020, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản đạt 42 tỷ USD, trong đó: hàng nông sản khoảng 20 tỷ USD, lâm sản và đồ gỗ khoảng 11,5 tỷ USD, các mặt hàng thủy sản khoảng 10 tỷ USD, các mặt hàng chăn nuôi khoảng 0,8 tỷ USD.
Trong những tháng tới, sự bùng phát của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chưa dự báo được thời điểm kết thúc gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế thế giới. Chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn do Trung Quốc là đối tác cung cấp hàng hóa đầu vào quan trọng với nhiều quốc gia và tập đoàn đa quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc có hạ nhiệt nhưng còn phức tạp. Gia tăng căng thẳng thương mại và rủi ro, suy thoái kinh tế trên diện rộng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Chuẩn bị sẵn sàng kịch bản
Đối với ngành hàng thịt, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, cùng với việc mở cửa nhập khẩu thịt lợn để gây sức ép buộc các doanh nghiệp hạ giá thịt lợn xuất chuồng, sẽ đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn khôi phục đàn lợn. Mục tiêu lúc này là phải ổn định thị trường và giá cả mặt hàng thịt lợn trong nước.
![]() |
Bộ NN&PTNT yêu cầu các tỉnh phía Nam phải tập trung vào định hướng rải vụ 5 cây, trong đó có thanh long (Ảnh: Internet) |
Về chăn nuôi gia cầm đang có dấu hiệu dư thừa, nên chỉ đạo điều chỉnh giảm mức tăng trưởng về đầu con và sản lượng gia cầm. Cụ thể, cần đưa tăng trưởng sản lượng thịt gia cầm các loại từ 16,5% xuống dưới 10%, trứng từ 14% xuống 9-10% và đặc biệt là điều chỉnh chu kỳ sản phẩm giảm cao điểm vào các tháng mùa nóng (tháng 5-8) tránh dư thừa gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
Đối với trồng trọt, Bộ NN&PTNT phân tích: diện tích rau màu năm nay dự kiến khoảng 980 nghìn ha, sản lượng 18,2 triệu tấn. Với lượng tiêu thụ trong nước khoảng 14 triệu tấn thì vẫn dư khoảng 4,2 triệu tấn để xuất khẩu. Dự kiến diện tích cây ăn quả khoảng 1,1 triệu ha, tăng trên 50 nghìn ha; sản lượng ước đạt trên 13,3 triệu tấn, tăng khoảng 0,8 triệu tấn so với năm 2019. Trong đó, sản lượng thanh long dự báo cả năm đạt 1,5 triệu tấn, tăng 20,7%; bưởi đạt 900 nghìn tấn, tăng 15,5%; nhãn đạt 580 nghìn tấn, tăng 14,2%; vải ước đạt 312,8 nghìn tấn, tăng 15,0%; sầu riêng đạt 620 nghìn tấn, tăng 12,7%.
Hiện, nhiều loại trái cây rất khó tiêu thụ, vì vậy yêu cầu các tỉnh phía Nam phải tập trung vào định hướng rải vụ 5 cây (thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, nhãn). Đối với một số cây ăn quả phát triển nóng trong thời gian qua, có nguy cơ rủi ro giá cả, tiêu thụ (cây có múi cam, bưởi,...) tăng cường khuyến cáo nông dân không gia tăng diện tích khi chưa có hợp đồng, đầu ra và tín hiệu tích cực từ thị trường. Với những loại cây liên tục rớt giá, cần chuyển bớt sang trồng những loại cây mới, sản lượng còn thấp.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư nâng cao công suất chế biến, bảo quản trái cây; đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng cường chế biến sâu: quả đông lạnh, đóng hộp, chiên sấy, nước quả tự nhiên, nước quả cô đặc, đông lạnh; chú trọng các loại sản phẩm đông lạnh, nước quả cô đặc…
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phải chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất về công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách, tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường…
“Toàn ngành phải chuẩn bị sẵn cả phương án, kịch bản nhu cầu nông sản, thủy sản của nhiều địa phương có dịch Covid-19 sẽ tăng cao sau khi hết dịch (thời gian qua, nhiều địa phương của Trung Quốc, như tỉnh Hồ Bắc đã thực hiện nghiêm việc cách ly, nông dân không sản xuất trên đồng ruộng; dẫn đến thiết thụt cân đối lương thực, thực phẩm và phải nhập khẩu). Bên cạnh đó, phải tổ chức lại hệ thống phân phối gắn kết với người sản xuất. Phải chuẩn bị kịch bản trong bối cảnh nhiều địa phương công bố dịch Covid-19 sẽ dẫn đến nhu cầu cao và số lượng lương thực thực phẩm, do tâm lý và nhu cầu tích trữ phòng dịch của người dân”, ông Cường nhấn mạnh.
Chu Khôi