Chiều 13/6, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị bàn một số giải pháp nhằm ổn định, thúc đẩy phát triển thị trường chăn nuôi lợn. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, chia sẻ, dịch tả lợn châu Phi là bệnh nguy hiểm nhất, thách thức nhất, nặng nề nhất cho ngành chăn nuôi lợn.
Đến nay, dịch bệnh đã lan rộng ra 55 tỉnh, thành phố, số lợn buộc phải tiêu hủy lên tới 2,5 triệu con. Vì vậy, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị này để mời các đại diện doanh nghiệp (DN) lớn, những người tham gia chuỗi sản xuất ngành hàng thịt lợn hiến kế và tìm những giải pháp khả thi.
Một cổ nhiều tròng
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ: "30 năm qua, các DN đã đồng hành cùng với bà con nông dân, chung lưng đấu cật khi giá thịt xuống (năm 2016), khi giá lợn cao đột biến giai đoạn 2017-2018 và giờ là dịch tả lợn châu Phi. 120.000 con lợn giống gốc nằm ở khu vực DN cho đến giờ phút này chưa việc gì. Đây là cơ sở quan trọng để nay mai phục hồi ngành. DN lớn chỉ chiếm 45% số đàn nhưng quyết định 55% tổng sản lượng. Vì vậy, mỗi DN hãy hiến kế để xây dựng chùm giải pháp khả thi nhất giúp ngành vượt qua dịch bệnh và phát triển bền vững".
Báo cáo của Cục Chăn nuôi cho thấy, theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê, thời điểm 1/4/2019, tổng đàn lợn cả nước là 27,8 triệu con, trong đó đàn nái là 3,7 triệu con với 150.000 con giống cụ kỵ, ông bà được nuôi tập trung chủ yếu trong các trại của DN. Như vậy, đàn lợn được nuôi chủ yếu trong khu vực tư nhân, bao gồm các nông hộ và trang trại chiếm 99,44%.
Trước tình hình phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn CP Việt Nam, cho biết một trong những khó khăn mà nhiều DN chăn nuôi đang gặp phải là việc cấm vận chuyển lợn đã khiến các trang trại lớn, các nhà máy giết mổ tập trung gặp rất nhiều khó khăn, bởi với những trang trại lớn lên tới cả vài nghìn con, địa bàn đó sẽ không thể tiêu thụ hết số lợn này.
Đại diện công ty TNHH Japfa Comfeed cũng lo lắng không biết trang trại lợn của DN mình có thể cầm cự đến bao giờ. "Đến nay, số lợn của DN vẫn an toàn nhưng không biết ngày mai sẽ thế nào. Trong khi đó, xung quanh người dân vẫn nuôi, vẫn tái đàn, DN không thể nào kiểm soát", đại diện công ty chia sẻ.
Ông Lê Quang Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP thức ăn chăn nuôi Thái Dương, cho biết hiện nay, trại lợn của DN chưa xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, cũng như các trang trại khác, ba năm qua, công ty gặp rất nhiều khó khăn, từ một DN chăn nuôi có quy mô đàn 8.500 nái, tổng đàn 85.000 con lợn các loại, đến nay chỉ còn khoảng 1.600 lợn nái, khoảng 20.000 con lợn các loại.
Vừa qua, quy định không cho xuất lợn, trong khi Nghệ An chỉ hai huyện có nhà máy giết mổ là Nghi Lộc và Diễn Châu nhưng vì các nhà máy nhỏ nên đã đóng cửa, dẫn tới lợn sản xuất ra không bán được.
Trong khi đó, từ kinh nghiệm 20 năm chăn nuôi lớn, ông Thành lo lắng không biết bao giờ mới có thể sản xuất ra vắc xin trị bệnh dịch tả lợn châu Phi. Một sản phẩm khoa học từ nghiên cứu đến khi đưa ra dùng đại trà phải mất rất nhiều thời gian.
![]() |
DN chăn nuôi vừa lo đối phó với dịch bệnh vừa lo tiền trả lãi ngân hàng |
Cơ hội để "thay chất"
"Khả năng trong vài năm tới, ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục phải sống chung với dịch bệnh. Bệnh này có giết chết 30- 40% sản lượng lợn của Việt Nam. Với tình trạng này, người dân lỗ không còn tiền để nuôi, thịt lợn thiếu, tiến tới Việt Nam phải nhập khẩu thịt lợn như Trung Quốc", ông Thành cho biết.
Theo đại diện công ty CP, thời gian qua, dịch bệnh lây lan trên diện rộng là do quy mô chăn nuôi của Việt Nam quá nhỏ, không đủ điều kiện để đầu tư kiểm soát an toàn sinh học, gây thiệt hại lớn.
Trong thời gian tới, khi mật độ mầm bệnh giảm xuống, Nhà nước nên cấp phép xây dựng trang trại chăn nuôi ở những vùng còn nhiều tiềm năng chăn nuôi như miền núi phía Bắc và khu vực miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An). Đây sẽ là tiền đề để tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo quy mô lớn.
Đồng thời, ông Thành cũng cho rằng đây là một thách thức cũng như cơ hội để chính quyền địa phương tổ chức lại trại chăn nuôi theo hướng chăn nuôi an toàn, quy mô lớn, tránh tình trạng trại nhỏ lây trại lớn như hiện nay.
Kiến nghị về giết mổ, ông Thành cho biết, DN không thể đầu tư nhà máy giết mổ vì vốn quá lớn. Từ bài học kinh nghiệm của bản thân, năm 2017, DN này giết mổ 24.000 lợn để cấp đông, sau đó phải bán lỗ chịu thiệt hại 50 tỷ đồng, tới tận tháng 4/2018 mới bán hết số thịt cấp đông.
"Vì vậy, trước khi tính tới giải pháp cấp đông, Bộ NN&PTNT cần định hướng cho người tiêu dùng sử dụng thịt cấp đông, tránh tình trạng có nhà máy cấp đông mà không có thị trường", ông Thành chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Dabaco, Nhà nước phải có chính sách đặc thù về vốn, đất đai để DN xây dựng nhà máy giết mổ. Muốn làm một nhà máy giết mổ, DN phải đầu tư cả nghìn tỷ đồng.
Liên quan tới vấn đề đẩy mạnh xuất khẩu, ông So cho rằng, đây là vấn đề rất khó do nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện nay phụ thuộc nhập khẩu từ nước ngoài, vì vậy giá thành chăn nuôi cao hơn các nước nên không thể cạnh tranh.
Do vậy, thời gian tới cần tích cực tái cấu trúc lại ngành chăn nuôi theo hướng đảm bảo an toàn sinh học, vùng chăn nuôi an toàn. Kiên định chủ trương phát triển theo chuỗi, tạo điều kiện cho các sở chăn nuôi tập trung, giết mổ, chế biến, bảo quản theo chuỗi khép kín.
Đề cập tới giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định chắc chắn nguồn cung sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành và hiện chưa có chủ trương tái đàn. Chính vì thế, Chính phủ khuyến khích các tỉnh, thành có chính sách phù hợp để khuyến khích dự trữ thịt lợn tại chỗ, nhà nhà tự dự trữ, cơ sở dự trữ, ai có điều kiện thì dự trữ thịt lợn.
Về dài hạn, Cục Chăn nuôi đề xuất có giải pháp khuyến khích các tập đoàn, các tổng công ty chăn nuôi lớn phát triển nhanh các chuỗi liên kết sản xuất khép kín, mở rộng quy mô đàn lợn trong các trang trại, các cơ sở chăn nuôi có đủ điều kiện áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học ở các vùng còn không gian lớn như trung du miền núi phía Bắc, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo thực hiện các chính sách, biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi và DN duy trì sản xuất, nhất là hỗ trợ cho các cơ sở nuôi giữ đàn giống cụ kỵ, ông bà để cung cấp con giống phát triển sản xuất sau khi hết dịch.
Lê Thúy
Ông Phùng Đức Tiến- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bộ NN&PTNT đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi với mức hợp lý trên cơ sở giá thành, chi phí chăn nuôi lợn và phù hợp cho từng loại lợn cho người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, HTX sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi. Trong đó, hỗ trợ chủ DN chăn nuôi lợn có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi với mức hỗ trợ bằng 30% mức hỗ trợ cho chủ vật nuôi để duy trì sản xuất, tái đàn khi hết dịch, góp phần quan trọng trong sản xuất, cung cấp sản phẩm thịt lợn cho xã hội… Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Dabaco Thực tế chính sách đã ban hành không ít nhưng chưa thực hiện được đồng bộ toàn hệ thống. Do vậy, Nhà nước cần rà soát đánh giá lại chính sách, nhìn nhận khách quan để những hỗ trợ này đi vào thực tiễn. Ông Lê Quang Thành - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP thức ăn chăn nuôi Thái Dương Bộ NN&PTNT cần có tờ trình để Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có một gói cho vay ưu đãi dành cho các DN chăn nuôi. Bản thân DN nông nghiệp đầu tư ít nhất 20 năm mới có thể bù chi phí khấu hao, 20 năm sau mới có thể trả nợ. Vì vậy, nếu lãi suất cho vay tiếp tục giữ mức 10%, ngành chăn nuôi sẽ không có lãi chứ chưa nói tới đầu tư công nghệ, mở rộng chăn nuôi. DN không sợ khó khăn mà sợ nhất là cơ chế chính sách của Việt Nam quá khắc nghiệt. |