Cụ thể, Trung Quốc có thể dỡ bỏ các hạn chế đối với nhập khẩu thịt trâu từ Ấn Độ, bò và cừu sống từ Mông Cổ, cũng như thịt lợn từ Nga, theo lời ông Gao Guan - Phó Chủ tịch CMA.
Trung Quốc cũng đang tìm cách đẩy nhanh việc nối lại nhập khẩu thịt bò Anh trong năm nay, thay vì năm 2020 như dự kiến, sau khi đồng ý dỡ bỏ lệnh cấm vào năm 2018.
Chờ hải quan quyết định
“Mặc dù Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất trong nước, song nhiều nước cũng sẽ có cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Việc tăng nhập khẩu thịt sẽ giúp bù đắp sự thiếu hụt protein động vật có thể xảy ra” ông Gao nói.
Xuất khẩu thịt từ một số quốc gia cụ thể vào Trung Quốc hiện đang bị hạn chế vì nhiều lý do khác nhau, như bệnh bò điên và dịch tả lợn. Trung Quốc chưa có quyết định cuối cùng về việc có thay đổi hiện trạng hay không và thay đổi như thế nào; tất cả vẫn đang chờ đợi phê duyệt cuối cùng của cơ quan hải quan nước này, ông Gao cho hay. Phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc chưa đưa ra bình luận chính thức.
Ngành chăn nuôi Trung Quốc gặp phải thách thức nghiêm trọng hồi tháng 8/2018, khi trường hợp đầu tiên nhiễm tả lợn châu Phi được phát hiện tại thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh. Kể từ thời điểm đó, Trung Quốc đã thông báo xấp xỉ 120 điểm dịch tại hầu hết trong số 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, đồng thời tiêu hủy khoảng 1 triệu con lợn trong tổng đàn 430 triệu con.
Bất lợi thêm chồng chất cho Trung Quốc khi cũng đúng vào khoảng thời gian này, nguồn nhập khẩu từ Mỹ lại giảm mạnh vì tranh chấp thương mại đang diễn ra với Washington. Gần đây, Trung Quốc đã phải cho phép nhập khẩu gia cầm từ Nga lần đầu tiên kể từ thời Liên Xô.
Bộ trưởng Nông nghiệp Đức dự kiến sẽ đến Trung Quốc cuối tuần này, với hy vọng nước này nới lỏng các hạn chế thương mại đối với các sản phẩm như thịt bò và gia cầm của Đức.
Việc tăng số lượng nguồn cung thịt đã qua kiểm dịch và có chứng nhận đầy đủ cũng sẽ giúp khắc phục phần nào tình trạng buôn lậu vào Trung Quốc, ông Gao nhận định. Bắc Kinh gần đây đã tăng cường kiểm soát tại biên giới để kiểm soát các hành vi buôn bán bất hợp pháp nông phẩm.
![]() |
Trung Quốc có 120 điểm dịch tả lợn châu Phi tại hầu hết trong số 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh |
Mất vài năm để hồi phục
Theo ước tính của ngân hàng Rabobank đưa ra hồi tháng 4, sản lượng thịt lợn Trung Quốc có thể giảm khoảng 30% trong năm 2019, còn 38 triệu tấn so với mức 54 triệu tấn của năm 2018.
Đây là mức thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây (theo dữ liệu của Cục thống kê quốc gia Trung Quốc) và sự sụt giảm này lớn gần bằng với tổng cung thịt lợn hàng năm của cả châu Âu và tương đương 130% tổng cung thịt lợn hàng năm của Mỹ.
Rabobank cũng dự báo ngành chăn nuôi lợn Trung Quốc sẽ mất ít nhất 3 năm để khôi phục sản xuất nếu như mọi việc tiến triển thuận lợi. Vì thế, giá tất cả các loại thực phẩm cung cấp protein sẽ tăng lên.
Trung Quốc hiện là quốc gia tiêu thụ thịt lợn nhiều nhất thế giới, chiếm 50% toàn cầu và có tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 1%. Tổng lượng thịt lợn tiêu thụ năm 2016 của Trung Quốc là 54,5 triệu tấn.
Con số này được dự báo sẽ tăng lên thành 58,1 triệu tấn vào năm 2021. Khối lượng thịt lợn được tiêu thụ bình quân đầu người của Trung Quốc có thể xấp xỉ 35 kg vào năm 2025, trong khi 30 năm trước là 20,2 kg.
Trung Quốc từng tự cung tự cấp thịt lợn cho đến năm 2007, thời điểm cầu bắt đầu vượt cung và nước này phải nhập khẩu một lượng đáng kể để đáp ứng nguồn cung thiếu hụt trong nước.
Giai đoạn 2007 – 2014, khối lượng thịt lợn nhập khẩu tăng đều với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 150%. Hầu hết thịt lợn được nhập khẩu từ Liên minh châu Âu, đặc biệt là Tây Ban Nha và Đức, Anh. Mỹ cũng xuất thịt lợn sang Trung Quốc nhưng với khối lượng nhỏ hơn.
Hải Châu