Chiều 26/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử của bộ, ngành và Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử 63 tỉnh, thành phố.
![]() |
Cổng Dịch vụ công quốc gia nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân, doanh nghiệp, đã đạt trên 60 triệu lượt truy cập, trên 235.000 tài khoản đăng ký. |
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, xây dựng Chính phủ điện tử là vấn đề lớn, vấn đề mới, thúc bách để đưa đất nước phát triển.
Thời gian qua, công việc này đạt được một số bước tiến như xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử chung của Việt Nam tăng 2 bậc (theo báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử năm 2020 của Liên Hợp Quốc công bố tháng 7/2020).
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, do đó, cần phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đưa ra các chủ trương, biện pháp mới để tháo gỡ, thúc đẩy Chính phủ điện tử ở Việt Nam.
Thông tin tại Hội nghị cho thấy, hàng năm, các địa phương chi ngân sách trung bình khoảng 0,3% dành cho công nghệ thông tin, vì vậy Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất con số này phải tăng lên ít nhất 1%.
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, sau hơn 8 tháng hoạt động, đến nay Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 1.039 dịch vụ công trực tuyến/6.842 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền.
Cổng Dịch vụ công quốc gia nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân, doanh nghiệp, đã đạt trên 60 triệu lượt truy cập, trên 235.000 tài khoản đăng ký; hơn 15 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 295.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến trên Cổng; tiếp nhận, hỗ trợ trên 24.000 cuộc gọi và 7.800 phản ánh, kiến nghị.
Từ tháng 3/2020, hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia được đưa vào vận hành, đến nay đã có 9.000 giao dịch, riêng trong tháng 8/2020 có trên 3 nghìn giao dịch với số tiền khoảng 5 tỷ đồng.
P.L