Theo báo cáo Tổng quan Trung tâm Dữ liệu Châu Á - Thái Bình Dương 2024 của công ty bất động sản toàn cầu Cushman & Wakefield mới phát hành gần đây, công suất trung tâm dữ liệu đang phát triển tại Việt Nam khoảng 92MW. Với chi phí xây dựng trung bình 6,9 triệu USD mỗi MW, các chuyên gia tính toán Việt Nam cần thu hút khoảng 640 triệu USD vốn đầu tư trong 5 - 7 năm tiếp theo.
![]() |
Thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng đáng kể trong những năm tới. |
Cushman & Wakefield cho biết, nhiều công ty toàn cầu đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia vào thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam. Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây (CSP), bao gồm Huawei Cloud và Alibaba, cũng đang đánh giá các cơ hội để thiết lập dịch vụ đám mây tại Việt Nam.
Trong số các nhà khai thác colocation, NTT, Gaw Capital và Worldwide đang có kế hoạch tham gia vào TP HCM với các trung tâm dữ liệu đầu tiên của doanh nghiệp. Trong khi STT đã công bố kế hoạch phát triển một cơ sở với công suất 60MW
Một số nhà khai thác trong nước như Saigontel, Viettel và Vingroup đã phân bổ quỹ đất tại TP HCM để phát triển trung tâm dữ liệu. Đầu năm nay, Tập đoàn FPT đã công bố khoản đầu tư 200 triệu USD để xây dựng một nhà máy AI, sử dụng phần mềm AI Enterprise của Nvidia và GPU H100 Tensor Core.
“TP.HCM đã nổi lên như là địa điểm ưa thích cho các nhà khai thác trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, với 75% tổng số dự án phát triển - cả đang xây dựng và dự kiến - tập trung tại thành phố này”, báo cáo cho biết.
Theo bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, thị trường trung tâm dữ liệu của Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu, với tỷ lệ 1,83 triệu người trên mỗi MW, thấp nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, với dân số tiếp tục tăng vượt 100 triệu người và GDP trung bình 6,25%, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng đáng kể trong những năm tới.
“Để hỗ trợ tăng trưởng dài hạn, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, bao gồm kết nối cáp đất liền và cáp ngầm, đảm bảo cung cấp điện ổn định và không bị gián đoạn, và thúc đẩy một khung chính sách thuận lợi cho việc mở rộng trung tâm dữ liệu", chuyên gia gợi ý.
Nhìn rộng ra toàn Châu Á - Thái Bình Dương, khu vực cần thu hút khoảng 116 tỷ USD vốn đầu tư để hoàn thành các dự án trung tâm dữ liệu đang xây dựng hoặc lên kế hoạch trong vòng 5 - 7 năm tới, khi nhu cầu cho lĩnh vực này ngày càng tăng.
Theo ước tính của Cushman & Wakefield, thị trường trung tâm dữ liệu có thể tạo ra 14,9 tỷ USD nguồn thu hằng năm, bằng việc cho thuê tủ đặt máy chủ và hiệu suất đầu tư triển vọng đạt 13%.
Đỗ Kiều