Trong giai đoạn 2011 - 2015, đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đã hỗ trợ đào tạo cho gần 1,15 triệu lao động, đạt 75% kế hoạch. Sau học nghề, đã có gần 873.000 lao động (84%) có việc làm mới, hoặc nâng cao hiệu quả của việc làm cũ.
“Cung” chưa khớp với “cầu”
Trong giai đoạn 2016 - 2019, có 1,15 triệu LĐNT được đào tạo, đạt 82% kế hoạch của giai đoạn 2016 - 2020. Các địa phương đã lựa chọn các ngành nghề đào tạo đáp ứng yêu cầu sản xuất của nông dân, phát huy hiệu quả sản xuất, chú trọng các ngành nghề chủ lực là thế mạnh gắn với tái cơ cấu nông nghiệp.
Việc đào tạo cơ bản bảo đảm mục tiêu về số lượng lao động được đào tạo nghề quy định trong Quyết định 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” và Quyết định 971/ QD-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ- TTg góp phần nâng cao tỷ lệ LĐNT qua đào tạo. Cụ thể, năm 2008 đạt 12%, năm 2016 đạt 34,14%, năm 2018 là 38,6%. Một số địa phương có tỷ lệ lao động qua đào tạo khá cao như Hậu Giang 64%, Phú Yên 60%...
Tuy nhiên, tình trạng đào tạo “cung” chưa khớp với “cầu” còn phổ biến, chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo nghề trong nông nghiệp cho LĐNT với quá trình tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục KTHT&PTNT (Bộ NN&PTNT), một số nơi chưa thực hiện tốt việc khảo sát nhu cầu học nghề, chuyển đổi nghề của LĐNT, từ đó chưa phát huy việc đào tạo nghề nông nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động. Nhiều nơi chưa xây dựng kế hoạch để đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ.
Bên cạnh đó, việc xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn kỹ năng nghề, chương trình, giáo trình đào tạo nghề nông nghiệp chưa thật phù hợp và đáp ứng nhu cầu của người học nghề. Việc dạy và học nghề ở nhiều nơi còn mang tính hình thức.
Cá biệt còn có tình trạng chạy theo số lượng, tập trung cho giải ngân, chưa quan tâm đến chất lượng và nhu cầu chất lượng lao động của DN, HTX và nhu cầu học nghề của người lao động…
Việc đào tạo gắn với HTX, DN, đào tạo cho lao động trong vùng sản xuất hàng hóa, sản xuất công nghệ cao, lao động là thành viên HTX, trang trại còn thấp. Con số này mới chỉ dừng lại ở 260.000 lao động (chiếm 24%) lao động là thành viên HTX, trang trại và lao động có liên kết với các HTX để tiêu thụ sản phẩm.
![]() |
Đào tạo nghề là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất của người dân |
Đào tạo theo nhu cầu
Nguyên nhân thực trạng này do công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT từ Trung ương đến các địa phương còn nhiều hạn chế, nhất là công tác về xây dựng cơ chế, chính sách; công tác dự báo nhu cầu đào tạo nghề và xây dựng kế hoạch, cơ cấu nghề đào tạo; công tác xây dựng cơ sở dữ liệu nghề nông nghiệp phục vụ hoạch định chính sách, công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả đào tạo nghề.
Theo ông Thịnh, các ngành, địa phương đã xác định đào tạo nghề là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất của người nông dân; góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; hình thành lên nhiều mô hình liên kết DN - nông dân trong sản xuất nông lâm thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thành các vùng nguyên liệu lớn cho các DN, HTX...
Trong giai đoạn tới, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cần tập trung đào tạo cho LĐNT theo nhu cầu của DN, HTX, xu hướng phát triển của nông nghiệp hiện nay. Đào tạo nghề theo quy chuẩn, đào tạo nghề: Chế biến, bảo quản thực phẩm phải được ưu tiên; đồng thời tăng cường đào tạo nghề dài hạn, tăng số thời gian thực hành nghề tại các DN, trang trại… Đa dạng hình thức dạy nghề, đổi mới nội dung dạy, có sự liên kết chặt chẽ giữa DN, HTX với cơ sở đào tạo nghề.
Hà Xuyên