![]() |
Các chương trình dạy nghề tỉnh Lào Cai đang hướng mạnh đến lao động dân tộc thiểu số |
Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành và các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện với nhiều giải pháp phù hợp với thực tiễn, đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số.
Đẩy mạnh đào tạo
Ông Đinh Văn Thơ - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, cho biết: “Để nâng cao hiệu quả, tỉnh đã tập trung đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, xây dựng chương trình giáo trình đào tạo bám sát thực tế, tập huấn nâng cao chất lượng dạy học, tổ chức cho học viên đi thăm quan, học tập kinh nghiệm tại các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi...”.
Trong quá trình đào tạo, lao động là người dân tộc thiểu số được ưu tiên lựa chọn các hình thức học nghề, ngành nghề và phương thức tự tạo việc làm phù hợp với bản thân. Đồng thời, những điển hình cá nhân và tập thể về dạy nghề gắn với việc làm được tuyên truyền, quảng bá và nhân rộng.
Giai đoạn 2010 – 2019, tỉnh Lào Cai đã triển khai đào tạo nghề cho gần 100.743 lao động là người dân tộc thiểu số tham gia học nghề, chiếm trên 70% trong tổng số 143.098 lao động được đào tạo.
Số lao động nông thôn được hưởng hỗ trợ từ nguồn ngân sách (đối với trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng) theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg là 28.898 lao động (trong đó nông nghiệp có 15.718 người, phi nông nghiệp có 13.180 người).
Số lao động sau khi học xong nghề đã được các doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc, một số tự tạo việc làm nâng cao chất lượng tăng gia sản xuất tại địa phương, một số tham gia các công trình xây dựng nông thôn mới tại thôn, bản, xã...
Đặc biệt, gắn với các chương trình dạy nghề, Lào Cai đã xây dựng thành công nhiều mô hình điểm, mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng chuối tại huyện Bát Xát, hiện có diện tích trên 100 ha, tạo ra một khối lượng sản phẩm lớn xuất khẩu sang Trung Quốc, với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/ tháng.
Mô hình nuôi lợn tại xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, một năm xuất bán được 3 lứa lợn, mỗi lứa nuôi từ 40 -50 con, xuất chuồng từ 4 - 5 tấn (trừ chi phí mỗi hộ thu được từ 25 - 30 triệu đồng /lứa, thu nhập khoảng 70 - 90 triệu đồng/ năm; mô hình trồng hoa Lan tại huyện Sa Pa cho thu nhập từ 70 – 100 triệu/năm…
![]() |
Các ngành nghề thiết thực, phù hợp với địa phương đang được Lào Cai đẩy mạnh đào tạo |
Nâng cao chất lượng
Hiệu quả trong công tác dạy nghề đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh Lào Cai tính đến hết năm 2019 đạt 52,58%, tăng 25% so với với năm 2010.
Hiệu quả lớn nhất trong việc đào tạo nghề cho người lao động dân tộc thiểu số là góp phần tạo chuyển biến nhận thức của các cấp chính quyền địa phương về công tác giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm, cung cấp cho người dân những kiến thức về hội nhập, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, khởi nghiệp…
Với những thành công đang có, trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai dự kiến tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, hướng nghiệp, thông tin đầy đủ, kịp thời cho người lao động về các chính sách, chương trình đào tạo nghề.
Tỉnh cũng sẽ phối hợp với các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo nghề sát thực tế, nhu cầu học nghề của từng bộ phận người dân. Các khóa, lớp đào tạo nghề dài hạn hơn, đáp ứng trình độ dân trí cũng như tâm lý học viên.
Đồng thời, các địa phương rà soát, lựa chọn danh mục nghề đào tạo cho lao động là người dân tộc thiểu số bên cạnh những nghề truyền thống cần chú trọng gắn với yêu cầu làm nông nghiệp công nghệ cao, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nghề phi nông nghiệp phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và xuất khẩu lao động.
Đặc biệt, tăng cường cơ chế vay vốn ưu đãi, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm; huy động sự tham gia của doanh nghiệp, HTX, nông dân sản xuất giỏi trong việc xác định nhu cầu, tổ chức dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất, bao tiêu sản phẩm hàng hóa…
Sáu Ngạn