![]() |
Các HTX nông – lâm nghiệp tỉnh Phú Yên đang đẩy mạnh cơ giới hóa |
Cuộc “chạy đua” của HTX
Ông Lê Thanh Lam – Chủ tịch Liên minh HTX Phú Yên, cho biết: “Toàn tỉnh hiện có trên 190 HTX hoạt động, với gần 141.000 thành viên. Để nâng cao hiệu quả, các HTX đang chủ động đẩy mạnh cơ giới hóa, nhằm giảm công lao động, gia tăng giá trị, đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ) cho thành viên”.
Các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp đang là những đơn vị dẫn đầu trong quá trình đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, nhằm nâng cao giá trị canh tác trên đồng ruộng.
HTX dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) đã đầu tư hàng tỷ đồng để hoàn thiện hệ thống máy móc hiện đại với đầy đủ các loại máy cày, máy gặt, xe múc, xe tải…
Ông Phan Văn Thuận – Giám đốc HTX, chia sẻ: “Với hệ thống máy móc hiện đại, HTX không phụ thuộc vào lao động thuê ngoài, vừa chủ động trong quá trình sản xuất, vừa tiết kiệm đáng kể chi phí. Đơn cử, với xe tải, HTX có thể hỗ trợ vận chuyển lúa cho thành viên về tận nhà, hay xe múc giúp HTX khơi thông dòng chảy, hoàn toàn chủ động trong công tác thủy lợi”.
Tương tự, tại HTX Phú Lâm (Tp.Tuy Hòa), khâu cày đất đã được đơn vị cơ giới hóa 100% bằng 55 máy cày tiểu và 25 máy cày trung.
Với khâu thu hoạch, HTX chỉ có 5 máy gặt, đáp ứng khoảng 17% nhu cầu của bà con. Để đảm bảo 100% diện tích được gặt bằng máy, HTX đứng ra hợp đồng bên ngoài thêm 25 máy gặt lúc cao điểm.
HTX Nông nghiệp An Nghiệp (huyện Tuy An) cũng vừa mua 2 máy sàng lúa và đưa hệ thống lò sấy lúa vào hoạt động, góp phần đa dạng máy móc công nghệ phục vụ sản xuất lúa, gạo chất lượng cao.
![]() |
Hoạt động cơ giới hóa được các HTX gắn với nâng cao trình độ, đảm bảo ATLĐ |
Liên kết sản xuất an toàn
Cùng với quá trình cơ giới hóa, các HTX tỉnh Phú Yên cũng chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao ý thức người lao động, nông dân liên kết về sản xuất an toàn, ATLĐ.
Ông Trương Dân – Giám đốc HTX Phú Lâm, cho hay: “Trong quá trình cơ giới hóa, thành viên HTX được tổ chức, tạo điều kiện tham gia nhiều khóa tập huấn, sử dụng máy móc an toàn, nâng cao ý thức về ATLĐ, kỹ năng xử lý sự cố, đảm bảo quá trình sản xuất phát huy hiệu quả và an toàn cao nhất”.
Đơn cử, trong quá trình sử dụng máy cày, HTX Phú Lâm có đội ngũ kỹ thuật có trình độ cao, nắm chắc các quy định về sản xuất an toàn, ATLĐ, sẵn sàng phục người dân. Với các hộ có máy riêng, HTX cử cán bộ đến từng hộ hướng dẫn kỹ thuật, phát tài liệu bổ sung kiến thức về ATLĐ.
Các mô hình liên kết giữa các HTX trên địa bàn tỉnh Phú Yên cũng đang phát huy hiệu quả cao. Điển hình, đầu năm 2019, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Xuân Tây 1 (huyện Đông Hòa) và HTX Xuân Long (huyện Đồng Xuân) được Trung tâm Khuyến nông Phú Yên hỗ trợ hơn 100 triệu đồng mua 2 máy làm đất đa năng phục vụ sản xuất cây trồng cạn.
Mô hình liên kết trồng rừng giữa HTX Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa) và HTX Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) cũng cho thấy hiệu quả tích cực. Tham gia dự án VIE6566 (Hỗ trợ các hộ trồng rừng quy mô nhỏ tại Việt Nam hướng tới chứng chỉ rừng), 2 HTX được hỗ trợ 1 xe tải 2,5 tấn, 2 máy nghiền đất làm vườn, 2 máy định vị GPRS và kỹ thuật làm vườn ươm với công nghệ phun tưới tự động.
Ông Võ Văn Nhẫn – Giám đốc HTX Xuân Long, khẳng định: “Sự liên kết giúp các HTX nâng cao nội lực, nâng cao hiệu quả cơ giới hóa, phát triển sản xuất an toàn, từ đó, mang lại lợi ích toàn diện về kinh tế, đời sống, ATLĐ cho thành viên, nông dân”.
Hạ Vy